[Vietnam News]

View - Nhân viên hàng không và chuyện đón Tết muộn!

2024-02-07 12:04:19

Nhân viên hàng không và chuyện đón Tết muộn! Tết là sum vầy, là những bữa cơm ấm áp bên người thân, gia đình, là thời gian thảnh thơi ngồi uống ly cà phê bên bạn bè. Thế nhưng, với những nhân viên hàng không, Tết là những ngày ăn vội bữa cơm, Tết là tạm gác cảm xúc riêng, căng sức làm việc để phục vụ các thượng khách được chu toàn nhất, giúp họ có một chuyến đi cuối năm an toàn, thuận lợi và suôn sẻ.Tết Nguyên đán 2024,hàng không,tiếp viên hàng không,nhân viên hàng không

Vài giây cũng không dám lơ là

Ngày 26 Tết, sau nhiều cuộc gọi nhỡ và tin nhắn, cuối cùng Trương Văn Hưng, nhân viên lái xe phục vụ kỹ thuật mặt đất sân bay Đà Nẵng cũng gọi lại cho tôi. Vừa nhấc điện thoại, em đã gửi lời 'xin lỗi' vì đợt này bận quá, khó có thể trò chuyện được lâu.

Chàng trai trẻ chia sẻ: Em mới vào nghề được hơn 1 năm, đây là lần đầu tiên em tham gia cao điểm phục vụ Tết. Mỗi ngày ở sân bay Đà Nẵng có khoảng 70 lượt chuyến bay cất hạ cánh, mà chuyến nào cũng cần các thao tác phục vụ dưới mặt đất thật nhanh với yêu cầu đảm bảo an toàn. Là nhân viên kỹ thuật mặt đất, Trương Văn Hưng có nhiệm vụ lái xe kiểm tra vệ sinh, xe tiếp nước cho máy bay bay sau khi hạ cánh và trước khi cất cánh. Vào những ngày gần Tết, khi các chuyến bay tăng cường nhiều hơn, việc vệ sinh và tiếp nước cũng thêm phần vội vã.

Thế nhưng, nhân viên kỹ thuật này kể: 'Làm việc ngày Tết là áp lực, tuy có mệt, có bận đến mấy, nhưng khi đã ngồi lên xe là phải tuân thủ mọi quy tắc an toàn. Công đoạn tiếp nước và vệ sinh cho máy bay cũng chỉ mất vài phút, nhưng việc di chuyển xe đặc chủng đòi hỏi sự chuẩn chỉnh nhất định. Bản thân em không dám chủ quan, lơ là một giây nào. Bởi hễ lơ là, lùi xe không khéo sẽ va phải máy bay đỗ trên sân, hoặc va vào các xe làm nhiệm vụ khác, thậm chí ảnh hưởng cả đến việc máy bay cất, hạ cánh'. 

Nhân viên lái xe phục vụ kỹ thuật mặt đất sân bay Đà Nẵng Trương Văn Hưng đang làm công tác tiếp nước cho máy bay.

Nói thêm về kinh nghiệm phục vụ Tết, Trương Văn Hưng bảo: 'Ban đầu em cũng có chút bỡ ngỡ vì lái xe ở ngoài khác với việc điều khiển xe chuyên dụng đi lại trong sân đỗ máy bay. Mỗi lần xe xuất phát là người điều khiển ngoài việc tuân thủ theo chỉ dẫn của người cảnh giới, còn phải đánh mắt bao quát xung quanh. Khi vào vị trí tiếp nước, phải giữ đều chân ga, phanh tay cũng phải sẵn sàng, tay luôn luôn đặt trên thắng xe. Nhờ tuân thủ quy tắc đó mà đến nay các chuyến xe em lái vẫn luôn đảm bảo độ chính xác và an toàn. Áp lực của nghề cũng theo đó mà bớt dần đi'.

Cũng là nhân viên mặt đất, nhưng Danh Thị Thúy An (nhân viên đứng quầy ở sân bay Tân Sơn Nhất) đã trải qua 2 lần đón Tết ở sân bay. Năm nay với An cũng không ngoại lệ. Cô nàng có nụ cười duyên dáng kể, từ khi vào nghề, được làm việc những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn có lẽ là những ngày đáng nhớ nhất của em, bởi lần đầu tiên trong một ngày có hàng trăm chuyến bay bị tạm hoãn hủy chuyến do sương mù. Đứng ở quầy vừa làm thủ tục cho khách, thông tin về các chuyến bay liên tục thay đổi, vừa tiếp nhận thông tin về thời tiết, vừa hồi đáp thắc mắc của khách đang chờ lên máy bay mà việc nào cũng đòi hỏi sự bình tĩnh và khéo léo. Nên dù mệt, dù có đôi phần lo ngại, thì Thúy An cũng cố không thể hiện ra bên ngoài.

Nhân viên Danh Thị Thúy An, đứng quầy ở sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng, làm việc xuyên Tết là công việc ý nghĩa, cho cô những trải nghiệm quý giá.

'Mỗi ngày kết thúc ca làm việc, thấy được hết hành khách lên các chuyến bay, là em cảm thấy nhẹ nhõm', An tâm sự. Khi được hỏi, Tết nhìn thấy mọi người khắp nơi háo hức về nhà đoàn tụ, mà bản thân không được đón Tết cùng gia đình, em có chạnh lòng không? Cô gái nhỏ nhẹ trả lời: 'Đã chọn nghề hàng không thì đồng nghĩa với việc sẵn sàng cho những cái Tết không trọn vẹn. Nhưng được đóng góp một phần nhỏ để giúp nhà nhà đoàn tụ ngày Tết lại là niềm hạnh phúc và động lực lớn lao cho những người gắn bó với nghề '.

Góp sức nhỏ giúp nhiều gia đình lớn sum vầy

Gắn bó với nghề được 20 năm, hiện đang là tiếp viên trưởng trên các tuyến bay đường dài với máy bay cỡ lớn, đồng thời là giáo viên huấn luyện các bạn tiếp viên mới vào nghề, giọng nói xen lẫn chút tự hào, Nguyễn Thị Hương Bình, sinh năm 1981, Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines kể về duyên cớ dấn thân theo nghiệp bay. Thời còn học sinh ngồi trên ghế nhà trường, trông thấy những tiếp viên hàng không xinh đẹp, búi tóc gọn ghẽ, được đi khắp nơi trên thế giới trên phim ảnh, Hương Bình rất ngưỡng mộ và thầm ước mơ được trở thành tiếp viên hàng không.

Với đặc thù công việc phải làm ca kíp, buổi sáng bắt đầu lúc 4 giờ sáng và ca đêm kết thúc tận 2-3 giờ sáng hôm sau, nhiều lúc về đến nhà đã thấy chồng con ngủ, Hương Bình thường nhón chân khẽ khàng, hôn nhẹ lên má từng thành viên và cảm thấy ấm áp khi được về tổ ấm.

'Tiếp viên hàng không là nghề đặc thù, phải hy sinh và giờ giấc đi sớm về đêm, không có ngày nghỉ lễ, Tết. May mắn là mình có gia đình chia sẻ rất nhiều trong công việc nhà và chăm sóc con cái. Ngày Tết dù xa gia đình nhưng được phục vụ hành khách cũng là sứ mệnh, niềm tự hào, có trách nhiệm nghĩa vụ với cộng đồng', nữ tiếp viên Hương Bình chia sẻ.

Những ngày cao điểm Tết, nữ tiếp viên hàng không bảo đó là thời gian hạnh phúc và cảm xúc nhất với nghề bởi được dõi theo hành khách với vẻ mặt hân hoan, những cái ôm thật chặt người thân sau bao ngày xa cách. Những nụ cười và giọt nước mắt lăn trên má là hình ảnh hằn sâu lại trong tâm trí của những nhân viên phục vụ hàng không về sự đoàn tụ. 'Chúng tôi thấy vui vì đã góp sức nhỏ bé mang đến cho hành khách những chuyến bay đoàn viên, trở về với gia đình sau một năm làm việc xa hương', tiếp viên này nói.

Tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Hương Bình

Vốn có đến 18 năm ăn Tết xa nhà, Hương Bình bảo phải thu xếp công việc để sắm sửa trang hoàng cho gia đình. Những cây quất, cành đào, bánh chưng đều được chị chuẩn bị trước để tranh thủ ăn Tết sớm cùng người thân. Phi hành đoàn không ai phàn nàn hay kêu ca bởi thường trực suy nghĩ 'nghề chọn mình nên phải dấn thân, tận tâm cống hiến. 

Một khi cánh cửa máy bay đóng lại, tất cả phi hành đoàn đều sẽ trở thành người một nhà. Các chuyến bay lúc Giao thừa, tổ bay tổ chức đọc loa phát thanh trên khoang máy bay với lời chúc mừng năm mới. Khách là người thân của mình trên chuyến bay, đón Giao thừa trên không là một trải nghiệm đặc biệt mà không phải ai cũng có,' nữ tiếp viên hàng không này nói.

Điều mang đến hạnh phúc cho Hương Bình chính là sự ghi nhận của hành khách, từ hành động nhỏ nhất như một cái gật đầu hay mỉm cười. Những khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khi máy bay hạ cánh, hành khách ra cửa cười và nói: 'Hẹn gặp lại, bạn đã vất vả rồi.' Cái chào tạm biệt đó khiến chị hiểu rằng mình đã hoàn thành tốt công việc và rất vui khi được khách công nhận giá trị lao động phục vụ. 

Nỗi niềm của nhân viên hàng không là vậy. Ai cũng hiểu đã chọn nghề thì phải chấp nhận những cái Tết không trọn vẹn, không kêu than, thường xuyên đón Tết muộn, họ đã an ủi, động viên, khuyến khích để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tất cả vì niềm tự hào nghề nghiệp mà mình đã chọn, đóng góp một phần nhỏ cho những chuyến bay được an toàn, mang đến những cái tết đoàn viên cho bà con tha hương sau một năm vất vả ngược xuôi vì cuộc mưu sinh, tô sắc cho những ngày xuân thêm tươi đẹp.

Tang Mộc

Comments (18)