[Vietnam News]

View - Sụt lún, sạt lở nghiêm trọng ở Cà Mau - VnExpress

2024-02-27 23:04:27

Sụt lún, sạt lở nghiêm trọng ở Cà Mau - VnExpressCà Mau- Huyện Trần Văn Thời xuất hiện khoảng 340 vụ sụt lún, sạt lở đất tại các tuyến sông, kênh với tổng chiều dài hơn 9 km, ảnh hưởng cuộc sống người dân, sản xuất.Sụt lún, sạt lở nghiêm trọng ở Cà Mau - VnExpress

Gần 100 m bờ kè trước trụ sở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời bị sụt lún nặng vào ngày 20/2, chỗ sụp sâu nhất gần 2 m.

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận khoảng 340 vụ sụt lún, sạt lở đất, tập trung nhiều nhất tại các xã Trần Hợi, Khánh Hải, Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc; thiệt hại hơn 13 tỷ đồng.

Huyện hiện có 264 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài hơn 960 km. Phần lớn đường được xây dựng trên tuyến đê, gần sông, kênh, rạch. Vì vậy, tình hình sạt lở bờ sông, kênh tác động đến tuyến đường.

Sạt lở đất dài gần 40 m, rộng 3 m, kéo theo hàng rào của một hộ dân đổ xuống kênh ở ấp 5, xã Khánh Bình Đông.

Theo UBND huyện Trần Văn Thời, việc sản xuất nông nghiệp ở địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Năm nay, mưa kết thúc sớm, hạn hán gay gắt làm lượng nước rút nhanh. Ngoài ra, người dân tranh thủ bơm nước vào đồng để đảm bảo sản xuất, khiến hệ thống sông, kênh rạch khô cạn. Tình trạng này gây ra sự chênh lệch độ cao lớn giữa mặt đường ven sông và mực nước bên dưới, dẫn đến sụt lún, sạt lở đất.

Một điểm sụt lún đất dài hơn 30 m tại kênh Quảng Hảo thuộc ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, làm mặt đường gãy vỡ, xe không thể đi qua.

Tuyến lộ bờ Nam kênh Quảng Hảo vừa được đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng năm rưỡi. Đến nay, toàn tuyến đã có hơn 10 điểm sụt lún, một số đoạn gây hư hỏng hoàn toàn. Địa phương cắm biển, căng dây và dừng việc di chuyển trên tuyến.

Điểm sạt lở đường trước nhà ông Dương Văn An, 61 tuổi ở ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc dài hơn 200 m.

Theo ông An, mặt đường chưa bị nứt gãy nhưng bên dưới đất bị sạt ra mé kênh, tạo hố sâu gần một mét. Biết người dân chạy xe qua sẽ rất nguy hiểm, nên ông An tạo lối đi phía bên trong.

Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Liễu, 57 tuổi, cắm cây cảnh báo người dân tránh di chuyển cặp mép đoạn đường đang bị sụt lún đất.

Bà cho biết chủ nhật tuần trước, bà ra cắt bắp chuối thấy đất bị nứt. Khoảng một tiếng sau, toàn bộ phần đất dài khoảng 20 m, rộng gần 6 m đổ sụp xuống kênh.

Tại một số nơi như xã Khánh Bình, người dân làm bờ kè kiên cố để hạn chế sạt lở, ảnh hưởng đến nhà cửa, công trình giao thông.

Ngoài sạt lở, trên địa bàn 9 xã, thị trấn của huyện còn có hơn 80 tuyến kênh, rạch bị khô cạn, có nơi trơ đáy. Trong ảnh là ghe xuồng, dụng cụ đánh bắt thủy sản nằm bờ do kênh khô cạn ở xã Khánh Bình Tây Bắc.

Theo dự báo, mực nước ở các xã của huyện Trần Văn Thời tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới và sụt lún, sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn.

Chị Đặng Hồng Đan (38 tuổi) ở kênh 86, xã Khánh Bình Tây Bắc nối hai chiếc ghe để đi qua bên kia bờ.

Chị nói chưa bao giờ thấy nước dưới kênh cạn nhanh như năm nay. Tình trạng này khiến tàu thuyền không thể chạy, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn.

Một ruộng lúa gần 2 ha bị bỏ hoang dù đến ngày thu hoạch. Nông dân cho biết do không đủ nước nên năng suất giảm, nếu gọi máy cắt vào thu hoạch thì chỉ lỗ tiền công.

Nông dân vùng ngọt huyện Trần Văn Thời vào cao điểm thu hoạch lúa, trong khi các tuyến sông, kênh trên địa bàn cạn nước. Tình trạng kênh khô cạn khiến ghe không vào thu mua lúa được, thương lái nghĩ ra cách vận chuyển lúa bằng xe máy.

Vụ Đông Xuân năm nay, nông dân toàn huyện gieo sạ khoảng 29.000 ha lúa.

Địa phương khuyến cáo người dân cắt tỉa cây xanh để hạ tải ở các tuyến thường xuyên sạt lở; hạn chế trữ nước khi chưa cần thiết; không nạo vét đất, cất nhà cặp mé sông, kênh rạch làm tăng nguy cơ sụt lún, sạt lở.

Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết cơ quan chức năng đã dự báo trước tình hình, huyện phối hợp thực hiện các giải pháp chủ động trữ nước ngọt và chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nhưng không đáp ứng hết yêu cầu thực tế. Địa phương đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để đảm bảo giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau diện tích tự nhiên hơn 150.000 ha, bao gồm phần lớn diện tích huyện Trần Văn Thời, toàn bộ huyện U Minh và một phần diện tích huyện Thới Bình, sản xuất theo hệ sinh thái ngọt.

Vào mùa khô hạn hàng năm, nhiều tuyến sông, kênh, rạch của vùng này hay bị sụt lún, sạt lở đất, trong đó huyện Trần Văn Thời là địa bàn xảy ra thường xuyên và nặng nề nhất.

Vị trí huyện Trần Văn Thời. Đồ họa: Đăng Hiếu

An Minh

Tang Mộc

Comments (15)