[Vietnam News]

View - Mùa du xuân, lễ hội không “chặt chém”

2024-02-16 23:02:28

Mùa du xuân, lễ hội không “chặt chém”Mùa du xuân, lễ hội không “chặt chém”lễ hội,chặt chém

Văn minh lễ hội

Đường vào Khu di tích, danh thắng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) không còn cảnh xe ôm, người lái đò chèo kéo du khách. Đò được trang bị áo phao, gắn biển số, giá vé cho từng tuyến được công khai, không còn tình trạng người lái đò vòi vĩnh xin thêm tiền. Vượt quãng đường gần 150km từ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đi trẩy hội chùa Hương, chị Lê Thanh Hòa phấn khởi nói: “3 năm trước tôi đến chùa Hương và bị người lái đò “chặt chém” tiền vé, nhưng hôm nay quay lại thấy mọi thứ khác trước nhiều. Lễ hội chùa Hương năm nay văn minh hẳn”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, kể từ mùa lễ hội năm 2024, Ban Quản lý Lễ hội chùa Hương đã thành lập và đưa vào vận hành Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương. Hợp tác xã có vai trò quản lý, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức phục vụ du khách cho người lái đò. Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024 cho biết, trước đây còn xảy ra tình trạng chèo kéo và “chặt chém” du khách do người dân tự đóng đò và chở khách. Việc thành lập hợp tác xã là nỗ lực của địa phương để đưa hoạt động chèo đò đi vào nền nếp. Đến nay, đã có 696 người tham gia hợp tác xã, góp 33 tỷ đồng cả tiền mặt và tài sản gồm hơn 4.000 thuyền, đò. Có hơn 2.500 lao động đăng ký với hợp tác xã để lái đò, đủ bảo đảm vận chuyển tới 50.000 lượt khách/ngày. 

leftcenterrightdel
Người dân trẩy hội chùa Hương. Ảnh: VIỆT TRUNG 

 

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh Ninh Bình đón lượng khách du lịch tăng kỷ lục với 596.000 lượt, doanh thu đạt hơn 850 tỷ đồng, lần lượt tăng 50,1% và 54,5% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cao điểm là mồng 4 Tết, du lịch Ninh Bình đón hơn 209.000 lượt khách, công suất phòng của nhiều khách sạn có lúc đạt 100%, song công tác đón khách luôn bảo đảm văn minh, thân thiện. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình khẳng định: “Dịp nghỉ Tết và đầu năm Giáp Thìn 2024, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được địa phương bảo đảm tốt; tại các khu, điểm du lịch ở Ninh Bình không có tình trạng chen lấn, ép khách, xin bo tiền. Hình ảnh du lịch Ninh Bình được nâng cao, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Tiếp tục “gạn đục khơi trong”

Trong hai ngày tổ chức, Lễ hội Cổ Loa Xuân Giáp Thìn 2024 tại huyện Đông Anh (Hà Nội) diễn ra trang nghiêm, văn minh, thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương. Ghi nhận tại lễ hội, giá vé gửi xe, các mặt hàng ăn uống có tăng lên đôi chút so với ngày thường nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Đặc biệt, hoạt động hát quan họ trên thuyền không còn ngả nón xin tiền; lễ hội không còn những trò chơi đường phố “móc túi” du khách mà thay vào đó là những hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: Đấu vật, cờ người, bắn nỏ, cờ thế, múa rối nước... Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đông Anh, ngay từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban tổ chức Lễ hội Cổ Loa Xuân Giáp Thìn 2024 đã họp bàn và thống nhất các phương án tổ chức, phân cấp phân quyền cho các tiểu ban tổ chức lễ hội. Công tác rà soát các đơn vị kinh doanh, buôn bán tại lễ hội cũng được triển khai chặt chẽ và yêu cầu các chủ cửa hàng ký cam kết niêm yết giá, không được nâng giá, bắt chẹt du khách.

Chỉ còn ít ngày nữa, Lễ hội khai ấn đền Trần 2024 (Nam Định) sẽ diễn ra. Trong năm 2023, dù công tác bảo đảm an toàn, an ninh được tiến hành tốt, song vẫn xảy ra tình trạng xe ôm chèo kéo khách. Để ngăn chặn tình trạng này, năm nay, Ban tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần 2024 đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường: Lộc Vượng, Lộc Hạ, Thống Nhất thuộc TP Nam Định. Ban quản lý khu di tích có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với 3 phường và các ngành liên quan thực hiện tốt công tác chuẩn bị, quản lý và tổ chức lễ hội; sắp xếp ổn định các ki-ốt; không để người hành khất, hát rong, người bán hàng trái phép vào khu vực lễ hội và khu vực trước cổng đền. Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban Quản lý Khu di tích đền Trần-chùa Tháp, UBND phường Lộc Vượng chỉ đạo tổ chức trông coi phương tiện giao thông tại các bãi xe bảo đảm theo quy định; phối hợp với các đơn vị liên quan nghiêm cấm các hoạt động cờ bạc dưới mọi hình thức tại khu vực lễ hội và ngăn chặn việc mua bán ấn, lưu hành ấn không do nhà đền phát hành.

Để công tác quản lý, tổ chức lễ hội ngày càng nền nếp, khoa học, hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”. Đồng chí Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Bộ tiêu chí là công cụ đo lường nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, ban tổ chức các lễ hội tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Để tiếp tục “gạn đục khơi trong” mùa du xuân, lễ hội, cần chú trọng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong việc xây dựng kế hoạch kịch bản, phương án tổ chức lễ hội bảo đảm trang nghiêm, an toàn, văn minh, tiết kiệm”.

HƯƠNG GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan. 

 

Tang Mộc

Comments (26)