[Vietnam News]
View - Khám phá hệ thống phòng không Sea Viper vừa được Anh nâng cấp
2024-01-24 06:03:02
Khám phá hệ thống phòng không Sea Viper vừa được Anh nâng cấpHệ thống phòng không Sea Viper sẽ được nâng cấp với các tên lửa có đầu đạn và phần mềm mới, cho phép Hải quân Anh chống lại các mối đe dọa từ tên lửa của Houthi.Hệ thống phòng không Sea Viper, phong trào Houthi của Yemen, Hệ thống Sea Viper, tàu chiến Anh, Hải quân Anh
Bộ Quốc phòng Anh hôm 21/01 cho biết, họ sẽ chi 405 triệu bảng Anh (514 triệu USD) để nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không Sea Viper, hiện đang được Hải quân Hoàng gia sử dụng để bắn hạ máy bay không người lái của Houthi trên Biển Đỏ.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố, hệ thống phòng không Sea Viper sẽ được nâng cấp với các tên lửa có đầu đạn mới và phần mềm cho phép nó chống lại các mối đe dọa như tên lửa đạn đạo, UAV.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm rằng, các hợp đồng này đã được trao cho bộ phận MBDA của Anh, một liên doanh tên lửa thuộc sở hữu của Airbus, BAE Systems và Leonardo.
"Khi tình hình ở Trung Đông trở nên tồi tệ hơn, điều quan trọng là chúng ta phải thích ứng để giữ an toàn cho Vương quốc Anh, các đồng minh và đối tác của chúng ta", Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps cho biết trong tuyên bố.
Lực lượng Hải quân Mỹ và Anh ở Biển Đỏ đã bắn hạ các máy bay không người lái và tên lửa do phong trào Houthi của Yemen bắn trong tháng này, khi xung đột giữa Israel và Hamas lan rộng ra khu vực rộng lớn hơn.
Hệ thống tên lửa phòng không Sea Viper là một chương trình chung được phát triển bởi Pháp, Italia và Anh, hệ thống này hiện đang được cả ba nước sử dụng. Hệ thống Sea Viper còn được gọi là PAAMS(S) để biểu thị việc sử dụng radar SAMPSON và phân biệt nó với hệ thống PAAMS trên lớp Horizon của Pháp-Italia.
Vào ngày 28/1/2009, PAAMS được Hải quân Hoàng gia Anh đặt tên chính thức là Sea Viper. Sea Viper là một hệ thống rất phức tạp bao gồm radar tầm xa, radar tên lửa dẫn đường, trung tâm điều khiển chiến đấu và hầm chứa tên lửa phóng thẳng đứng.
Hệ thống này được thiết kế để bảo vệ cả lực lượng trên bộ và trên biển khỏi các cuộc tấn công của máy bay, đồng thời có thể bảo vệ hạm đội hải quân trước tên lửa chống hạm siêu thanh. Hệ thống phòng không Sea Viper bao gồm các radar tầm xa SAMPSON và S1850M, hệ thống quản lý chiến đấu, hệ thống phóng tên lửa Sylver, tên lửa Aster 15 và Aster 30.
Sea Viper có thể theo dõi hơn 1.000 mục tiêu ở phạm vi lên tới 400 km. Nó có thể theo dõi, nhắm mục tiêu và tiêu diệt nhiều mối đe dọa trên không có hiệu suất cao như tên lửa hành trình siêu âm, máy bay chiến đấu và UAV. Sea Viper có thể phóng 8 tên lửa trong vòng chưa đầy 10 giây bằng hệ thống phóng thẳng đứng Sylver và có thể dẫn đường đồng thời cho 16 tên lửa.
SAMPSON là một radar quét mảng điện tử chủ động đa chức năng do BAE Systems Maritime sản xuất. Nó là thành phần radar điều khiển hỏa lực của hệ thống Sea Viper.
Radar đa chức năng SAMPSON có thể phát hiện tất cả các loại mục tiêu ở khoảng cách 400 km và có thể theo dõi hàng trăm mục tiêu cùng một lúc. Radar SAMPSON có thể theo dõi các vật thể có kích thước bằng một quả bóng di chuyển với tốc độ gấp ba lần tốc độ âm thanh.
Ngoài SAMPSON, Hải quân Anh còn bổ sung thêm radar tầm xa S1850M cho Sea Viper. Radar S1850M là phiên bản nâng cấp của loại radar SMART-L của Hà Lan. Radar tầm xa S1850M sẽ hỗ trợ SAMPSON tìm kiếm mối đe dọa, từ đó giúp cung cấp thông tin về quỹ đạo của mục tiêu và tính toán giải pháp bắn.
Sau khi nhận được kết quả tính toán, tên lửa đánh chặn Aster 15 và Aster 30 sẽ được phóng tự động từ hệ thống phóng thẳng đứng Sylver. Hệ thống này có thể chứa tới 8 tên lửa đánh chặn Aster trong một ống phóng.
Aster 30 được sử dụng để phòng không tầm ngắn đến tầm xa. Aster 15 được sử dụng để phòng không tầm ngắn và tầm trung. Aster 15 có tầm bắn hơn 30 km và đạt tốc độ Mach 3. Còn tên lửa Aster 30 có tầm bắn 120 km và đạt tốc độ Mach 4.
Thường được coi là đối trọng với Hệ thống chiến đấu Aegis do Mỹ sản xuất, Sea Viper cho phép Vương quốc Anh bảo vệ lực lượng hải quân của họ trước nhiều mối đe dọa trên không bằng cách sử dụng công nghệ sản xuất trong nước mà không cần dựa vào công nghệ quốc phòng của Mỹ.
Tang Mộc