Dạo qua mấy con ngõ, tiếng hát quan họ mỗi lúc mỗi gần. Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Biển ở xóm Trung khi canh quan họ đã bước vào chặng đầu tiên với tên gọi “mời nước mời trầu”. Đây là nghi thức hát giao tiếp giữa chủ và khách.
Thông thường, một canh quan họ có 3 chặng, kéo dài từ 19 giờ 30 phút tối đến khoảng 2 giờ sáng hôm sau, có canh kéo dài đến tận 5 giờ sáng. Sau chặng đầu là chặng hai với “giọng vặt” thể hiện tình nghĩa gắn bó, nỗi nhớ mong và thương cảm về cuộc đời. Chặng cuối diễn ra khi trời đã về sáng có tên gọi là “giọng giã”.
Tại chặng này, các liền anh, liền chị sẽ mời nhau xơi tiệc mặn, tiệc ngọt, rồi khách sẽ hát những câu xin phép ra về. Khách và chủ quyến luyến, bịn rịn không muốn rời nhau nên hai bên thường gây xúc động lòng người với những câu hát như: “Người ơi người ở đừng về”, “Tạm biệt từ đây”, “Con nhện giăng mùng”, “Kẻ Bắc người Nam”…
Một canh quan họ được tổ chức ở nhà ông Nguyễn Hữu Biển. |
Nét đặc trưng của hát canh quan họ là các liền anh, liền chị sẽ ngồi xuống chiếu hát đối đáp. Người hát không cần loa, không nhạc nhưng giọng hát chậm rãi, vang, rền, nền, nảy làm xao động lòng người. Với những người sành, quan họ càng về đêm càng hay. Khi ấy, tiếng hát của các liền anh, liền chị càng réo rắt, chạm đến tâm can người nghe. Canh quan họ chỉ kết thúc khi hai bên hết câu đối đáp và bên trai không giữ được bên gái ra về.
Để tổ chức một đêm canh quan họ tuy đơn giản nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện và cơ hội để thực hiện. Bởi hát canh của người quan họ thường được tổ chức vào dịp lễ hội, hoặc tổ chức mừng thọ một người trong gia đình. Khi đó người ta gọi là “khao canh”.
Suốt 20 năm qua, ông Nguyễn Hữu Biển, thành viên câu lạc bộ quan họ thôn Lũng Giang (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) luôn tổ chức đều đặn canh quan họ vào dịp đầu xuân, thu hút nhiều liền anh, liền chị và du khách thập phương. Để dám ngồi vào chiếu canh, người hát phải thuộc ít nhất 150 câu quan họ (mỗi câu có nhiều vế đối, dung lượng mỗi câu quan họ tương đương với một bài hát).
Người quan họ vốn khéo léo nên thường nhường chị em ra câu đối trước và các anh hai sẽ đáp lại. Các chị ra câu: “Ngồi tựa mạn thuyền”, các anh hai đáp lại: “Ngồi tựa song đào”… Cứ như thế, canh quan họ quyến rũ bằng những màn đối đáp của các liền anh, liền chị diễn ra tự nhiên mà không có một kịch bản nào.
Khi các liền anh muốn ra câu đối thì sẽ xin rất khéo léo rằng: “Các chị hai cho chúng tôi nhổ mạ để đi cấy. Các chị hai nhổ mạ nhiều rồi”. Khi các anh hai ra câu: “Bạn tình ơi”, thì các chị hai đáp lại rằng: “Trồng cây xin chớ đốn chồi, yêu em xin chớ đứng ngồi với ai”…
Các liền chị hát đối đáp trong buổi hát canh. |
Với ông Nguyễn Hữu Biển và các liền anh, liền chị, quan họ là một phần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần. Với họ, hát quan họ nhận được lợi ích đầu tiên là sức khỏe, say nhau tiếng hát, phải có lòng đam mê với hát được. Qua mỗi lần hát canh, các liền anh, liền chị được giao lưu học hỏi, cũng là một phần để kiểm tra vốn kiến thức về hát quan họ. Theo ông Nguyễn Hữu Biển, khi các chị em ra câu đối mà mình không đối lại được thì đêm về khó ngủ, trong lòng cứ bứt rứt khó chịu.
Là người yêu quan họ, đặc biệt là thích nghe hát canh, nhiều năm qua, anh Nguyễn Trường Sơn (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) thường dành thời gian qua thị trấn Lim nghe hát canh. Anh Sơn cho biết, mặc dù bản thân chưa hiểu hết về quan họ, nhưng có thể biết được một vài câu đối, thậm chí có thể hát theo. “Thưởng thức hát canh quan họ là một văn hóa tao nhã, vui tươi, bổ trợ tâm hồn góp phần giúp làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của tôi”, anh Nguyễn Trường Sơn bày tỏ.
Bài, ảnh: THIÊN ĐIỂU
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.