[Vietnam News]
View - Mang mùa xuân ấm no cho người nghèo
2024-02-23 00:02:50
Mang mùa xuân ấm no cho người nghèo Một mùa xuân mới lại về, hòa cùng không khí vui tươi, ấm áp của những ngày Tết là niềm vui của những hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Nhờ vốn vay chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, nhiều hộ gia đình đã đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần làm chuyển biến tích cực các vùng quê, mang đến niềm vui trong mùa xuân mới Giáp Thìn 2024.Kỳ Anh,Ngân hàng Chính sách xã hội,Hà Tĩnh
Những ngày đầu Xuân, không khí làm việc ở NHCSXH huyện Kỳ Anh đã rất khẩn trương. Các cán bộ, nhân viên ngân hàng như chạy đua với thời gian, làm thủ tục cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách để kịp giải ngân đúng kế hoạch, đáp ứng kịp thời vốn vay cho người dân nghèo để đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh là xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo vẫn ở mức cao. Vì vậy, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước rất cần thiết đối với phát triển kinh tế của địa phương, là đòn bẩy quan trọng giúp người dân nơi đây có cơ hội thoát nghèo.
Nhận 90 triệu đồng được giải ngân nhanh chóng, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1986 là hộ cận nghèo, sống tại thôn Nam Sơn, xã Kỳ Trung bày tỏ sự biết ơn, bởi từ nay gia đình chị có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi.
Không chỉ chị Dung, nhiều người đến giao dịch tại trụ sở xã Kỳ Trung đều nở nụ cười tươi khi được cán bộ NHCSXH huyện trao tận tay tiền vốn để kịp đầu tư sản xuất. Đối với gia đình chị Đậu Thị Thơm, ở thôn Nguyễn Huệ, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Tết năm nay được xem là cái Tết sung túc nhất. Niềm vui của chị là có vốn đầu tư mua thuyền máy để đánh bắt hải sản. Trước đây, gia đình chị Thơm rất khó khăn, hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn, suốt ngày quần quật nhưng cũng chỉ đủ tiêu dùng hằng ngày. Mong muốn của chị là có vốn đầu tư mua thuyền và chài lưới phục vụ việc đánh bắt hải sản.
Năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kỳ Xuân hướng dẫn gia đình chị vay 80 triệu đồng, chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện. Có vốn, chị đầu tư mua thuyền máy, mua sắm công cụ phục vụ việc đánh bắt hải sản. Nhờ sự chăm chỉ, tảo tần của hai vợ chồng, mỗi lần đi biển về, nguồn thu từ đánh bắt hải sản mang lại cho gia đình chị thu nhập ổn định. Niềm vui của vợ chồng chị cũng là niềm vui chung của nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn xã Kỳ Xuân, nhờ nguồn vốn chính sách, họ đã có vốn để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Chia tay gia đình chị Thơm, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Công Biên, ở thôn Nam Mỹ Lợi, xã Kỳ Văn, vào những ngày cuối năm. Trong khu chuồng bò khá rộng, vợ chồng ông Biên tất bật dọn dẹp chuồng trại, chuẩn bị cho con bò cái sắp sinh.
Ông Biên cho biết, từ khi số lượng đàn bò nhân lên, hằng ngày, vợ chồng ông phải thay nhau cắt cỏ, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc sức khỏe cho những con bò sắp sinh. "Trước Tết chúng tôi đã xuất chuồng năm con bê, thừa tiền mua sắm Tết", ông Biên phấn khởi chia sẻ.
Về cơ duyên với nghề nuôi bò, ông Biên cho biết: "Tôi bắt đầu nuôi bò vào năm 2010. Lúc đó, do diện tích hạn chế cho nên chỉ nuôi bốn con bò sinh sản, rồi đợi bán bê con. Đến năm 2022, vợ chồng tôi được NHCSXH hỗ trợ cho vay 90 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo, cùng với số tiền tích cóp để đầu tư mua bò giống và xây dựng chuồng trại, vợ chồng mạnh dạn mở rộng chăn nuôi. Chuồng trại rộng rãi, cao ráo, sạch sẽ, số lượng bò được nuôi nhiều hơn và khi đàn bò cái thay phiên sinh sản, chúng tôi chủ động giữ lại được một số bê con để tiếp tục nuôi sinh sản. Hiện tôi có hơn 50 bò cái sinh sản và 30 con bê nhỏ, con nào cũng mập mạp, ăn khỏe. Khu vực chuồng nuôi này có thể chứa được hơn 50 con bò sinh sản và khoảng chục con bê con, tùy thời điểm giá bê con bán được từ 10 triệu đến 12 triệu đồng".
Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kỳ Anh Phạm Anh Đức, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện, chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng lên rõ rệt. NHCSXH huyện không còn nợ quá hạn, tỷ lệ lãi tồn rất thấp. Các hộ vay vốn chính sách không chỉ ý thức hơn trong sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả mà còn tham gia gửi tiền tiết kiệm để trả gốc và lãi khi đến hạn. Đến hết năm 2023, tổng dư nợ của đơn vị đạt 756.247 triệu đồng, tăng gần 85 tỷ đồng so với đầu năm. Chính sách cho vay ưu đãi của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Kỳ Anh, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
"NHCSXH huyện Kỳ Anh sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa phương", ông Phạm Anh Đức khẳng định.
Huyện Kỳ Anh hiện đang triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng (có 16 chương trình cho vay theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, một chương trình cho vay theo quy chế ủy thác UBND tỉnh). Nguồn vốn chính sách có tác động không nhỏ đến thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân; người dân biết thực hành tiết kiệm để đầu tư mở rộng sản xuất. Đáng lưu ý, NHCSXH huyện Kỳ Anh là huyện có dư nợ cao nhất tỉnh Hà Tĩnh nhưng là huyện không có nợ quá hạn.
Hơn 20 năm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ở huyện Kỳ Anh rất đáng tự hào, chất lượng tín dụng luôn được củng cố, nâng cao. Bí quyết để có được thành công này chính là toàn bộ hoạt động của NHCSXH đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu, mở lối thoát nghèo cho nhân dân, giúp địa phương thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Tang Mộc