[Ẩm thực]
View - Học cách làm món ăn đặc sắc ngày Tết của đồng bào dân tộc ở Tam Đường, Lai Châu
2024-07-15 08:40:02
Học cách làm món ăn đặc sắc ngày Tết của đồng bào dân tộc ở Tam Đường, Lai Châu Người dân tộc Lự ở Tam Đường, tình Lai Châu vào ngày Tết có nhiều món ẩm thực độc đáo, nổi bật nhất là xôi ngũ sắc. Không chỉ có tính thẩm mĩ cao, món ăn này còn có hương vị thơm ngon.xôi ngũ sắc, Tam Đường
Người dân tộc Lự ở Lai Châu chủ yếu sống tại 2 huyện là Tam Đường và Sìn Hồ. Đây là một trong 16 dân tộc ít người ở Việt Nam với số dân dưới 10.000 người.
Người Lự có nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc và những món ẩm thực độc đáo. Những ngày lễ, Tết, trong mâm cỗ của người Lự không thể thiếu món xôi ngũ sắc. Xôi ngũ sắc tượng trưng cho âm dương ngũ hành với 5 màu chủ đạo là trắng, đỏ, vàng, xanh, tím.
Món ăn là sự kết hợp tinh tế của nhiều loại củ, quả, cây để tạo thành món xôi độc đáo, thơm ngon. Nguyên liệu để làm xôi ngũ sắc cũng từ những nguyên liệu truyền thống là gạo nếp, nhưng có dùng thêm các loại lá cây rừng để nhuộm màu cho xôi. Màu đỏ của xôi được làm từ quả gấc, màu xanh được lấy từ lá gừng hoặc lá dứa, màu vàng làm từ màu của củ nghệ già giã lấy nước, màu tím của xôi lấy từ lá cẩm... Người dân tộc Lự thường trồng các loại cây này quanh nhà.
Theo quan niệm của người Lự, hình ảnh xôi ngũ sắc mang nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, và tượng trưng cho những điều tốt lành, may mắn.
Màu đỏ của xôi tượng trưng cho khát vọng sống và những ước mơ về tương lai tươi sáng. Xôi màu tím tượng trưng cho màu của đất đai trù phú. Xôi màu vàng tượng trưng cho sự no ấm, phồn thịnh, ước vọng về cuộc sống bình yên. Xôi màu xanh sẽ tượng trưng cho màu của núi rừng Tây Bắc, của cây cối, rừng rậm và nương rẫy. Xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung và tình thương đối với cha mẹ.
Các bước để làm ra một đĩa xôi ngũ sắc, một người dân tộc Lự ở Bản Thẳm hướng dẫn:
+ Bước 1: Trước khi nhuộm màu cho gạo, gạo sẽ được ngâm trong nước lã từ 6 – 8 tiếng. Sau đó vo sạch lại, chia gạo thành 5 phần bằng nhau, mỗi phần tương ứng với một màu.
+ Bước 2: Để đảm bảo màu đẹp, người nấu phải tránh không được để lẫn các loại cây màu với nhau. Khâu nấu, giã lá, củ để lấy nước màu trộn vào gạo nếp cũng khá cầu kỳ và cần phải làm riêng. Các loại cây, lá màu phải được nấu ở các nồi khác nhau để tránh bị lẫn màu.
+ Bước 3: Sau khi nhuộm màu xong cho gạo sẽ mang xôi đi đồ. Khâu này tùy, thuộc vào mức độ khéo tay và kinh nghiệm nấu của mỗi người mà cho ra một món xôi như ý.
Một lưu ý quan trọng để làm thành công món xôi ngũ sắc chính là gạo màu nào dễ phai nhất thì phải cho vào đồ đầu tiên, tiếp đến tới các màu khác. Món xôi ngũ sắc được nhuộm màu từ các loại củ, lá rừng khi ăn thơm và có hương vị đặc trưng của núi rừng.