[Ẩm thực]

View - Thành công và nước mắt của sơn ca núi rừng Tuyên Quang Đỗ Tố Hoa

2024-03-14 07:18:00

Thành công và nước mắt của sơn ca núi rừng Tuyên Quang Đỗ Tố Hoa'Con đường nào cũng có khó khăn, tôi luôn biến khó khăn thành động lực. Đưa âm nhạc gần gũi với khán giả để truyền tải những thông điệp tích cực là sứ mệnh rất quan trọng của một người lính, một nghệ sĩ” - ca sĩ Đỗ Tố Hoa trải lòng.Đỗ Tố Hoa, ca sĩ Đỗ Tố Hoa, Điều còn mãi, hoà nhạc Điều còn mãi,

Ca sĩ Đỗ Tố Hoa (Đỗ Thị Thanh Hoa) - ‘sơn ca’ của núi rừng Tuyên Quang được khán giả biết đến khi đoạt giải Nhất dòng nhạc thính phòng tại cuộc thi Sao Mai 2017. Sở hữu giọng soprano nữ cao, âm sắc đẹp, sang trọng, cùng phong thái trình diễn tự tin, Tố Hoa đã chinh phục khán giả và ban giám khảo. Ngoài ra, cô còn giành giải Thí sinh được yêu thích nhất do Hội đồng báo chí bình chọn và giải Ngôi sao hy vọng do Hội nhạc sĩ Việt Nam trao tặng.

Giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế nhưng Đỗ Tố Hoa vẫn hồi hộp và tự hào lần đầu tiên hát trong Hoà nhạc Điều còn mãi do báo VietNamNet phối hợp với công ty IBgroup tổ chức, diễn ra lúc 14h ngày 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tại chương trình Điều còn mãi 2023, Tố Hoa sẽ thể hiện các ca khúc Bóng cây Kơ Nia, Trăng sáng đôi miền (song ca cùng Đào Mác). Từng hòa giọng nhiều lần với ca sĩ Đào Mác và đều rất “ăn săm” với nhau nên nữ ca sĩ không hề lo lắng.

Ngoài đời, cả hai thân thiết như anh em ruột thịt dù kẻ Bắc người Nam. “Chúng tôi thường xuyên trò chuyện, trao đổi công việc qua điện thoại. Mỗi lần anh Mác ra Hà Nội đều gặp tôi và ngược lại, nếu vào Nam người đầu tiên mà tôi liên lạc sẽ là anh Mác. Biết rõ điều này nên Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng mới sắp xếp để chúng tôi hát chung”, Đỗ Tố Hoa chia sẻ.

Nói thêm về người anh thân thiết trong nghề, Đỗ Tố Hoa bày tỏ sự ngưỡng mộ bởi Đào Mác có chất giọng baritone dày, trầm ấm đầy nội lực. Tuy nhiên, ở những nốt cao, anh khiến cô bất ngờ vì hát như giọng nam cao (tenor) thực thụ.

Tố Hoa chia sẻ âm nhạc như mối lương duyên tiền định bởi cô “biết hát trước khi biết nói”. Từ nhỏ, cô đã mặc định bản thân là một ca sĩ, không gì có thể xoay chuyển dù gia đình làm ngân hàng, bố mẹ định hướng cho Tố Hoa học khối A, ra trường đi làm tín dụng.

Luôn là “cây văn nghệ” của trường và thành phố nên năm 2009, khi 15 tuổi, Tố Hoa được cử về Hà Nội tham dự kỳ thi hát tiếng Pháp toàn quốc.

Thời điểm đó, Tố Hoa học hát bồi bài S'il suffisait d'aimer (Nếu chỉ yêu là đủ) của Céline Dion và giành giải Nhất đơn ca. Cũng nhờ cuộc thi này, cô được xét tuyển đặc cách vào ngành Thanh nhạc tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

“Chim sơn ca” khăn gói xuống thành phố nhộn nhịp với sự háo hức và suy nghĩ giản đơn rằng 'chỉ cần được hát, đứng trên sân khấu, Tố Hoa mới là chính mình'. Dù lo lắng cho con gái bởi từ nhỏ sống rất đơn giản, chỉ thích ca hát, gia đình không ai làm nghệ thuật nhưng bố mẹ Hoa yên tâm phần nào khi biết môi trường bộ đội rèn quân rất nghiêm.

Nhận thấy Tố Hoa là nhân tố đầy triển vọng, năm 2013 Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cử Tố Hoa đi du học chuyên ngành Thanh nhạc Biểu diễn tại Học viện nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc và Học viện Âm nhạc Trung Quốc.

Là học sinh khá tại Việt Nam nhưng sang Trung Quốc, phải mất một năm Tố Hoa mới hoà nhập cùng các bạn. 

Năm đầu tiên, Tố Hoa thiếu tự tin vì rào cản ngôn ngữ, cô vượt qua bằng cách cố gắng học tiếng Trung Quốc thật tốt. “Suốt thời gian dài, tôi tự hỏi/đáp với chính mình ở trong phòng, việc này nhàm chán vô cùng. Nhưng thay vì tự ti, tôi hoạt bát hơn khi giao tiếp và được mọi người quý mến, giúp đỡ rất nhiều”, cô chia sẻ.

Dù cất cánh bay ra khung trời bao la, nhưng "sơn ca" của núi rừng Tây Bắc vẫn giữ phong cách mộc mạc, chân thành, không màng chuyện gì ngoài học hát. Tố Hoa được các thầy cô giáo giới thiệu tới cuộc thi lớn của Trung Quốc và giành giải Nhì.

Với Tố Hoa, đó là sự may mắn không gì sánh được bởi đã “học được quá nhiều thứ từ cuộc thi kéo dài tới tận một năm”.

Nhưng vinh quang đó, Tố Hoa cũng phải ngậm ngùi, nuốt nước mắt vào trong. Bởi trước đêm chung kết một ngày, cha cô qua đời. Dự cảm về cuộc chia xa với con gái rượu nên trước đó, ông dặn “dù bất cứ chuyện gì xảy ra, con cũng phải thi thật tốt”. Bước lên sân khấu với tâm trạng ngổn ngang nhưng hôm sau, trong chuyến bay vội vàng, Tố Hoa cũng kịp mang thành tích về, thắp nén hương kính dâng đấng sinh thành. Cô ăn chay trường từ đó, đến nay đã được 8 năm.

Tưởng như con đường âm nhạc của Tố Hoa trải đầy hoa hồng, thành tích nhưng cô chia sẻ: “Con đường nào cũng có khó khăn, tôi luôn biến khó khăn thành động lực. Bởi tôi thích ca hát, thích đến nỗi tất cả sự tập trung của đôi tai chỉ dành cho âm nhạc”.

Cùng với danh hiệu Quán quân Sao Mai 2017, những thành tích xuất sắc ngay lần đầu tham gia tranh tài tại Hội thao Quân sự quốc tế 2022 (Army Games 2022) do Bộ Quốc phòng tổ chức tiếp thêm động lực cho Tố Hoa trên con đường chinh phục nghệ thuật đỉnh cao. Môi trường quân đội đã rèn giũa một nghệ sĩ thành “chiến sĩ cầm mic”, giúp cô “cháy” hết mình trên sân khấu xứ sở Bạch dương.

Tố Hoa xuất sắc giành hai giải Nhất cá nhân với các tác phẩm Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên (Lê Lôi) và Chim họa mi - dân ca Nga (tác phẩm tiếng Nga); đoạt giải Nhì tiết mục song ca cùng ca sĩ Lê Xuân Hảo, bài La ci darem la mano. 

Sau phần thi của Tố Hoa, nữ chuyên gia thanh nhạc Liên bang Nga xúc động chia sẻ: “Trong 10 tiết mục tham dự, một ca khúc có tác dụng chữa lành cho tôi, đó là phần trình diễn của ca sĩ Việt Nam Đỗ Tố Hoa. Giọng cô ấy rất sạch, vang và vô cùng diễn cảm. Yếu tố nhạc cảm được đặt lên hàng đầu trong các cuộc thi như thế này”. Sau đó, bà đề nghị được nghe lại bài hát Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên.

Nhiều thành tích vang dội nhưng cái tên Đỗ Tố Hoa không quá nổi bật trong thị trường âm nhạc Việt Nam. Điều đó cũng dễ hiểu bởi cô được rèn trong quân đội, mọi hướng đi đều phải được chắt lọc, thận trọng. 

Để giọng hát đến được với công chúng, Tố Hoa tiết lộ dự án muốn hát hay “dân ca thính phòng”. Tức là, vẫn giữ nền tảng gốc là hát thính phòng nhưng học dân ca nhiều hơn để có kỹ năng và cách hát mềm. 7 năm du học, tiếp thu được nhiều kỹ thuật thanh nhạc nhưng cô nhận ra rằng: “Hát ca khúc Việt Nam mà sử dụng kỹ thuật thanh nhạc không khéo sẽ bị cứng, có cảm giác là bị trưng trổ kỹ thuật nhiều hơn là hát. Điều này làm hạn chế bản thân”. 

Vì thế, Tố Hoa tham gia lớp tập huấn kỹ năng hát dân ca. Tuy thành tích học “bét lớp” những ca sĩ tự hào là học viên chuyên cần. NSND Thanh Ngoan hướng dẫn và khẳng định Tố Hoa rất có tố chất. Đây là động lực cho cô tham gia học tất cả các lớp từ ca trù, chầu văn, chèo… để chuẩn bị kỹ lưỡng cho lần ra mắt sản phẩm “dân ca thính phòng” năm 2024.

Ở dự án này, cô sẽ hát với các NSND của Việt Nam. Ý tưởng xuất phát khi gần đây, nhiều NSND sức khoẻ yếu và việc được hát song ca cùng họ là cách ngắn nhất giúp Tố Hoa học hỏi cách hát cũng như kinh nghiệm sân khấu. 

Hiện tại, nữ ca sĩ đã nỗ lực đưa các chương trình, tiết mục biểu diễn của mình hiện diện trên 200 kênh nhạc hàng đầu thế giới như: Spotify, Apple Music, Amazon Music, YouTube... 

Theo Tố Hoa, chuyển đổi số cho âm nhạc là bước tiến đúng đắn giúp phát triển sự nghiệp. Đây cũng là con đường mà nhiều nghệ sĩ lựa chọn để thử thách bản thân, hòa vào dòng chảy hiện đại.

“Thính phòng là dòng nhạc chủ đạo xuyên suốt cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Nhưng tuổi trẻ vẫn nên có chút thay đổi, làm mới tư duy, sáng tạo và thử thách bản thân. Đưa âm nhạc gần gũi với khán giả để truyền tải những thông điệp tích cực là sứ mệnh rất quan trọng của một người lính, của một nghệ sĩ”, Tố Hoa bày tỏ.

Ngoài hoạt động biểu diễn, Tố Hoa còn là giảng viên thanh nhạc. Dù không đánh bóng tên tuổi nhưng Tố Hoa vẫn là một trong những giọng ca hàng đầu Việt Nam. 

"Tôi mãi biết ơn môi trường quân đội, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo ở Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, nơi đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho những ước mơ, cho tôi nền tảng kiến thức, sự nghiệp vững vàng và chỗ đứng trong lòng khán giả", Tố Hoa chia sẻ.

Thiết kế: Nguyễn Ngọc


Tang Mộc

Comments (8)