[Ẩm thực]
View - Hiện trạng dự án BT ở Nha Trang liên quan Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn vừa bị bắt
2024-03-14 07:25:43
Hiện trạng dự án BT ở Nha Trang liên quan Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn vừa bị bắtTập đoàn Phúc Sơn, do ông Nguyễn Văn Hậu làm Chủ tịch HĐQT vừa bị bắt, được UBND tỉnh Khánh Hòa giao thực hiện 3 dự án BT ( Xây dựng - Chuyển giao). Cơ quan cảnh sát điều tra đang đề nghị Khánh Hòa cung cấp hồ sơ các dự án của Phúc Sơn.Tập đoàn Phúc Sơn, Nguyễn Văn Hậu, Dự án BT, sân bay Nha Trang, Chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn, Chủ tịch tập đoàn Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn bị bắt, ông Nguyễn Văn Hậu bị bắt
Sân bay Nha Trang rộng hơn 186ha, nằm ở trung tâm thành phố, có mục đích quân sự và phục vụ các chuyến bay chở khách. Từ năm 2004, sau khi sân bay Cam Ranh hoàn thành, sân bay Nha Trang ngừng đón khách, trở thành căn cứ quân đội. Đến năm 2009, một phần đất nơi đây được giao cho địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
Tháng 10/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi hơn 62,3 ha đất tại sân bay Nha Trang giao cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) do ông Nguyễn Văn Hậu làm chủ tịch, để thực hiện dự án khu trung tâm đô thị, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Sau nhiều năm được giao đất, khu sân bay Nha Trang được doanh nghiệp làm hạ tầng. Bên trong vẫn còn ngổn ngang, cỏ mọc um tùm. Xung quanh được quây tôn, rào kín.
UBND tỉnh giao Công ty Phúc Sơn thực hiện ba dự án BT (xây dựng - chuyển giao) về giao thông, tổng vốn tạm tính hơn 3.562 tỷ đồng, đều không qua đấu giá mà chỉ định thầu.
Các dự án gồm: các tuyến đường, các nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang; nút giao thông Ngọc Hội; đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội. Nhà đầu tư đã được hoàn vốn hơn 20ha tại sân bay Nha Trang.
Công trình nút giao thông Ngọc Hội nằm giữa đường sắc Bắc - Nam với đường 23 Tháng 10, 19 Tháng 5 (xã Vĩnh Hiệp và phường Ngọc Hiệp) có tổng vốn 1.351 tỷ đồng. Theo thiết kế, nút giao Ngọc Hội có 4 nhánh cầu vượt gồm N1 (nhánh Đông), N2 (nhánh Nam), N3 (nhánh Tây) và N4 (nhánh Bắc).
Đây là công trình trọng điểm của tỉnh, kỳ vọng giảm thiểu ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía Tây Nha Trang.
Dự án khởi công cuối năm 2017, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, quá trình thi công bị chậm tiến độ, chủ đầu tư nhiều lần xin gia hạn. Lúc ấy, xung quanh công trình có nhiều rào chắn, tôn, làm thu hẹp lòng đường, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm hay giờ tàu chạy qua. Đến nay, công trình cơ bản đã hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chưa nhận được mặt bằng đối với nhánh phía Bắc (N4) nên vẫn đang chờ, từ đó mới có kế hoạch thi công.
Đối với dự án BT đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội (còn gọi là đường Vành đai 2) tổng trị giá đất tạm tính khoảng 1.099 tỷ đồng. Sau thời gian thi công, nhánh phía Nam của dự án Đường vành đai 2 dài gần 6km (đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành đến nhánh N2 nút giao thông Ngọc Hội) hoàn thành, đưa vào khai thác.
Tuy nhiên, kỹ thuật hạ tầng chưa được đồng bộ, chưa nghiệm thu, chưa quyết toán. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở ngành liên quan cùng UBND TP. Nha Trang và Tập đoàn Phúc Sơn phải sớm hoàn thiện, song nay vẫn chậm trễ.
Còn dự án BT các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu vực sân bay Nha Trang có tổng mức đầu tư dự kiến trên 725 tỷ đồng.
Dự án trên được dự tính thực hiện những tuyến đường nối dài các đường như: Nguyễn Thị Định (chỉ giới 35m), Cù Chính Lan (27m), Tô Hiến Thành (20m) và 11 nút giao thông. Dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2017. Thế nhưng, do trễ tiến độ, dự án BT này nhiều lần gia hạn nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Hồi tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra các dự án BT dùng quỹ đất thanh toán sân bay Nha Trang, chỉ ra các hạn chế của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Cụ thể, quá trình thực hiện, 3 dự án này không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng theo kế hoạch đề ra là cuối năm 2017, gia hạn tới tháng 6 năm nay. Ba dự án BT này sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục vào dự án đầu tư chưa đúng quy định.
Ngoài ra, Tập đoàn Phúc Sơn bị UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu phải nộp hơn 11.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, song đến nay Phúc Sơn vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Vào ngày 25/2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, thông báo về việc cơ quan này đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, kế toán, đầu tư, thực hiện các dự án, công trình xây dựng xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.
Để phục vụ công tác điều tra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Cục Cảnh sát kinh tế đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp toàn bộ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; thực hiện đầu tư, xây dựng; kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế; thanh tra, kiểm tra… các dự án, công trình do Công ty CP tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên làm chủ đầu tư, thi công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Cuộc sống đảo lộn vì hai dự án 'treo' của Tập đoàn Phúc Sơn
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn bị bắt, dự án 3.300 tỷ vẫn là bãi đất hoang
Tang Mộc