[Ẩm thực]
View - "Trong máu người Hà Nội có vị sấu chua"
2024-07-15 08:19:33
"Trong máu người Hà Nội có vị sấu chua"GiadinhNet - Trái sấu đầu hè để thương nhớ cho người Hà Nội, bởi "trong máu người Hà Nội có vị sấu chua". Quả sấu, quả sấu xanh, quả sấu dầm mắm, ngon miệng sấu dầm mắm, ăn quả sấu, quả sấu mùa hạ
Ông xã tôi rất thích của chua, trai Thái Bình mà mê quả sấu Hà Nội đến lạ. Quả mơ, quả mận xanh, "ngài" chấm muối ăn không hề nhăn mặt. Nhưng quả sấu xanh mùa hạ mà "ngài" cũng nhai giòn khau kháu thì "tôi lạy cả nón".
Nhà nấu món canh chua gì ông xã cũng bảo cho quả sấu vào - trong khi bếp đầy dấm bỗng, cơm mẻ. Chợ thì nhiều muỗm, quéo, me nhót... mùa nào thức nấy, canh nào quả nấy chứ.
Cứ vào mùa hạ, khi ở chợ mới xuất hiện những mẻ sấu đầu tiên, "ngài" đã giục tôi mua dăm cân trữ vào tủ đông. Sấu đóng đá ăn đến tận mùa sấu mới năm sau cũng chửa hết. Chiếm chỗ hết 1/4 cái tủ đông Hòa Phát của tôi.
Cuộc đời ông xã tôi thật lắm thăng trầm. 50 tuổi "ngài" mới bắt đầu gây dựng công việc làm ăn bằng cách mở một quán hàng nhỏ.
Sau hơn chục năm gom góp trả nợ, rồi cũng đã xây lại được ngôi nhà mái ngói của cha mẹ trên đất quê Tiền Hải cho ông anh trai về hưu sinh sống thờ phụng gia tiên.
Việc đầu tiên sau khi xây nhà là ông xã mua luôn 10 cây sấu nhỏ về trồng xung quanh vườn.
Sau hơn chục năm, 10 cây sấu ông xã trồng dạo ấy chỉ còn sống được có 4 cây, rất xanh tốt, cao lớn, cành vươn, lá dày xanh óng.
Mùa hạ nào những cây sấu cũng ra quả rất sai, rất sớm. Vào mùa sấu ra quả đúng kỳ giỗ mẹ chồng tôi nên thể nào ông xã cũng về quê làm giỗ, và đem lên một vài bọc sấu tươi. Thi thoảng, "ngài" vẫn say sưa kể chuyện mùa sấu, về những quả sấu nhà chua thế nào, ngon thế nào.
Năm ngoái ông xã đã đi xa mãi mãi. Mùa hạ này, mùa sấu này không còn ông xã về quê, nhưng nghe tin ông anh chồng ốm bệnh, tôi vội vàng về quê thăm.
Cảnh nhà có người ốm thật là buồn. Nhưng lúc ngồi bên thềm nghĩ ngợi, hướng mắt về khoảnh vườn phía trước, tôi chợt nhìn thấy những vòm sấu tươi xanh đang đu đưa những chùm quả non tròn xoe trên nền trời mùa hạ biếc xanh, lòng bỗng như dịu lại, cảm thấy như được an ủi một đôi phần.
Tôi gọi đứa cháu con trai của ông anh hái cho mấy chùm sấu non đem về Hà Nội, rồi hỏi sao nhà chưa hái sấu bán đi, sấu sớm đầu mùa rất được giá.
Đứa cháu nói ở quê dân không quen ăn sấu, bán chả ai mua, cho không ai lấy. Tiếc thật!
Tìm hiểu mới biết quê chồng tôi, chả nhà ai trồng sấu, và chả mấy nhà ai ăn sấu.
Mùa hè luộc mớ rau muống, bà con chỉ vắt quả chanh đánh dấm nước rau cho tiện chứ chả hơi đâu gọt, luộc, om hay dầm... mất thời gian. Nếp quen ăn uống lâu đời nay rất khó thay đổi.
Chả bù cho niềm yêu thích quả sấu của người Hà Nội - mà nhà văn Băng Sơn đã từng nói đại ý: “Trong máu người Hà Nội có vị sấu chua”.
Trời nắng nóng quá, ở quê cũng chả đi được đâu xa nên tôi nhờ đứa cháu hái sấu rồi đùm về Hà Nội biếu quanh mấy nhà hàng xóm và đồng nghiệp... Quả sấu mùa hè để thương nhớ cho người Hà Nội, bởi vị sấu chua rất dễ ăn có mặt trong rất nhiều món ngon độc đáo trong lòng người Hà Nội.
Cách làm sấu dầm mắm chần qua nước sôi
Nguyên liệu
Sấu tươi (chọn quả già vừa tới có vỏ hơi sần và cùi dày, không bị thâm, giập, hoặc sấu già sẽ còn ít thịt). Không dùng sấu non vỏ láng bóng vì ngâm dễ bị ủng".
Ớt chỉ thiên, tỏi, nước mắm.
Lọ thủy tinh có nắp kín để ngâm sấu.
Cách làm
Sấu mua về gọt vỏ, rửa sạch và ngâm vào chậu nước muối 30 phút, để đó và quay ra chuẩn bị các nguyên liệu khác.
Chú ý khi chần sấu không chần quá lâu vì sẽ làm sấu dễ bị nhũn mềm, mất vị ngon giòn vốn có.
Ớt chỉ thiên rửa sạch, cắt bỏ cuống để nguyên quả.
Lọ thủy tinh rửa sạch, tráng qua nước sôi và úp cả lo và nắp để nhanh khô.
Tỏi bóc sạch vỏ, có thể để nguyên tép, thái đôi hoặc thái lát mỏng tùy sở thích.
Sau 30 phút thì vớt sấu ra rổ sạch, chần qua nước sôi – việc này giúp sấu không nổi váng – rồi để ráo nước.
Đun nước mắm
Lấy 500ml nước mắm, 150ml nước lọc cho vào nồi rồi đun sôi 2 phút thì thả ớt và tỏi vào. Đun sôi lại thì tắt bếp để hỗn hợpnguội.
Nếu là loại nước mắm mặn thì pha thêm nước với tỷ lệ loãng hơn, hoặc thêm chút đường để nước ngâm đỡ gắt.
Ngâm sấu
Lấy lọ thủy tinh đã khô, xếp sấu vào lọ rồi đổ hỗn hợp nước mắm đã nguội vào và đậy kín nắp lại. Chú ý là lượng nước đổ phải ngập sấu.
Ngâm sấu trong lọ, cất ở nơi sạch và thoáng mát. Khoảng 4-5 ngày thì có thể lấy sấu ra ăn được.
Thành phẩm: Sấu ngâm đủ thời gian sẽ ngấm mắm, gia vị. Dùng chấm rau luộc, rau sống, thịt luộc... đều rất ngon miệng.
Cách bảo quản sấu ngâm mắm
Để hạn chế sấu ngâm nước mắm, tỏi, ớt bị nổi váng khi ăn cần dùng đũa sạch gắp ra, rồi lại đậy kín nắp, cất nơi khô ráo, thoáng mát.
Món sấu ngâm mắm ăn với dưa cà muối chua, canh cua, rau luộc cũng rất đậm đà, ngon miệng.