[Vietnam News]

View - Chiến thuật giúp Ukraine đánh chìm chiến hạm Nga - VnExpress

2024-02-17 00:03:48

Chiến thuật giúp Ukraine đánh chìm chiến hạm Nga - VnExpressQuân đội Ukraine triển khai nhiều xuồng tự sát vây đánh chiến hạm Nga trong đêm, khiến đối phương khó đối phó và chịu tổn thất lớn.Ukraine, Nga, chiến sự Nga - Ukraine

Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine ngày 14/2 tuyên bố đã phối hợp với các lực lượng khác, sử dụng xuồng tự sát tấn công đánh chìm tàu đổ bộ cỡ lớn Caesar Kunikov thuộc Hạm đội Biển Đen tại vùng biển gần thành phố Alupka, bán đảo Crimea.

Vụ tập kích đánh chìm tàu đổ bộ Caesar Kunikov hé lộ chiến thuật tập kích bằng xuồng tự sát không người lái (USV) Sea Baby mà Ukraine sử dụng gần đây, sau nhiều tháng hoàn thiện loại khí tài tấn công điều khiển từ xa này.

Hải quân Ukraine lần đầu triển khai xuồng tự sát Sea Baby vào cuối năm 2022, khi một nhóm USV chứa đầy thuốc nổ được điều khiển bằng vệ tinh tấn công căn cứ Hạm đội Biển Đen của Nga tại Sevastopol, bán đảo Crimea, song không gây ra thiệt hại lớn.

"Ukraine mất gần một năm để hoàn thiện USV và chiến thuật tập kích bằng xuồng tự sát", biên tập viên David Axe của Forbes nhận định. "Sau khi hoàn tất, lực lượng Ukraine bắt đầu đánh chìm nhiều chiến hạm của đối phương".

Gunny, một chuyên gia hàng hải tại Anh, cho biết trong trận tập kích tàu đổ bộ Caesar Kunikov, Ukraine đã cho một xuồng tự sát tiếp cận chiến hạm Nga từ mạn phải, chiếc thứ hai áp sát mạn trái. Chiếc xuồng tự sát thứ ba ở cách xa hơn, theo dõi đòn đánh của hai xuồng khác thông qua camera hồng ngoại.

Chiến thuật xuồng tự sát vây đánh chiến hạm Nga của Ukraine
 
 

Xuồng tự sát Ukraine áp sát chiến hạm được cho là tàu đổ bộ Caesar Kunikov của Nga ngày 14/2. Video: BQP Ukraine

"Xuồng tự sát Sea Baby dài hơn 5 mét, nhưng có thân thấp, nên rất khó phát hiện bằng radar, cảm biến hồng ngoại hay mắt thường khi chúng di chuyển trên mặt biển. Chúng cũng không quá ồn ào khi hoạt động", Axe cho biết. "Ukraine thường tấn công vào ban đêm, khi các thủy thủ Nga canh gác chiến hạm ít cảnh giác nhất".

Video do xuồng tự sát Sea Baby ghi lại cho thấy ít nhất một thủy thủ Nga đứng gác trên boong tàu đổ bộ Caesar Kunikov, song dường như không phát hiện ra chiếc USV đang tiếp cận. Chiếc Sea Baby đầu tiên đâm vào mạn phải chiến hạm Caesar Kunikov, gần khoang máy chính.

Đòn tấn công này có thể khiến nước tràn vào khoang máy và khoang chứa phương tiện của tàu Caesar Kunikov. Chiếc USV thứ hai lao vào mạn trái để đánh bồi và "định đoạt số phận của con tàu", Axe nhận định.

Ukraine tuyên bố đã đánh chìm hai tàu đổ bộ lớp Đề án 775, trong đó có Caesar Kunikov, cùng hộ vệ hạm cỡ nhỏ Ivanovets thuộc lớp Đề án 12411 cùng một số phương tiện khác của hải quân Nga từ khi tăng các đợt tập kích bằng xuồng tự sát từ tháng 8/2023.

Các chuyên gia phương Tây nhận định Ukraine đang gặp khó khăn trong cản bước lực lượng Nga tại chiến trường trên bộ, song đang gây thiệt hại đáng kể cho đối phương tại Biển Đen.

Đây được coi là thành tích rất ấn tượng, khi hải quân Ukraine gần như không còn tồn tại sau khi họ đánh đắm soái hạm Hetman Sahaidachny, vốn là hộ vệ hạm lớp Đề án 1135 Burevestnik, vào tháng 3/2022.

Do không còn chiến hạm cỡ lớn, hải quân Ukraine buộc phải sử dụng tên lửa hành trình và USV để tấn công đối phương. Các chiến dịch với xuồng tự sát khiến Ukraine trở thành quốc gia đầu tiên triển khai hiệu quả chúng trong tác chiến hàng hải.

Một xuồng tự sát của quân đội Ukraine. Ảnh: BQP Ukraine

Một xuồng tự sát của quân đội Ukraine. Ảnh: BQP Ukraine

USV có giá tương đối rẻ và không có người lái, được điều khiển từ xa thông qua kết nối vệ tinh. Chỉ cần một USV vượt qua được lớp phòng thủ và tung đòn tấn công, nó có thể gây ra thiệt hại lớn cho lực lượng hải quân Nga.

"Điều này mang lại cho Ukraine lợi thế bất đối xứng to lớn", Basil Germond, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Đại học Lancaster ở Anh, nhận định.

Tầm tấn công của USV cũng vượt xa nhiều loại tên lửa hành trình mà Ukraine sở hữu và nước này đang nhanh chóng cải tiến chúng, trong đó có trang bị ống phóng rocket cho phương tiện. Ngoài ra, USV có giá rẻ hơn đáng kể so với tên lửa.

Tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG mà Anh và Pháp viện trợ có tầm bắn khoảng 300 km với giá rất đắt, lên tới 2,5 triệu USD mỗi quả, buộc Ukraine phải tiết kiệm chúng. Trong đợt tập kích tháng 9/2023, tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG của Ukraine làm hư hại một tàu ngầm của Nga đang trong ụ nổi tại xưởng đóng tàu.

"Ukraine đạt thành công lớn trong các đợt tập kích nhằm vào Hạm đội Biển Đen, buộc Nga phải di chuyển khí tài ra khu vực xa hơn so với tiền tuyến", Germond nhận định. "Điều này vừa mang ý nghĩa biểu tượng, vừa có ý nghĩa về mặt tác chiến".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thừa nhận thành tựu mà lực lượng Ukraine đạt được trên Biển Đen không phải giải pháp cho chiến dịch trên bộ của họ, vốn rơi vào bế tắc sau đợt phản công quy mô lớn thất bại vào năm ngoái.

Các đợt tập kích táo bạo bằng đường biển không thể giúp Ukraine đảm bảo chiến thắng, song chúng đóng vai trò quan trọng trong duy trì áp lực đối với Nga.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Bất chấp Nga phải chuyển một số chiến hạm từ Sevastopol tới các cảng có cơ sở hạ tầng kém hơn ở phía đông bán đảo Crimea và Novorossiysk, các đợt tấn công bằng xuồng tự sát của Ukraine không phải đòn giáng mạnh vào đối phương.

Bộ Quốc phòng Anh nhận định hải quân Nga "gần như chắc chắn vẫn có thể thực hiện được ba hoạt động chính ở Biển Đen là tấn công tầm xa, tuần tra và hỗ trợ".

Theo Sidharth Kaushal, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), Nga có thể dùng máy bay rải thủy lôi thay cho phương tiện mặt nước, đồng thời phóng tên lửa hành trình tầm xa để tiếp tục tập kích Ukraine. Tuy nhiên, Nga đang gặp khó trong hoạt động phong tỏa luồng hàng hóa từ các cảng ven Biển Đen của Ukraine.

Các cuộc tập kích bằng xuồng tự sát của Ukraine cũng bào mòn Hạm đội Biển Đen do Nga không thể bổ sung chiến hạm vì hạn chế theo Công ước Montreux 1936. Khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt công ước này và chặn tàu hải quân của các bên tham chiến đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles để đi vào Biển Đen.

Nguyễn Tiến (Theo Forbes, BI, AFP, Reuters)

Tang Mộc

Comments (1)