[Ẩm thực]

View - 'Làng tỷ phú' ở Bắc Ninh chìm trong khói bụi, xỉ thải nhôm

2024-03-14 07:24:56

'Làng tỷ phú' ở Bắc Ninh chìm trong khói bụi, xỉ thải nhômHàng trăm cột khói xả thẳng lên trời, 370.000 tấn xỉ thải ùn ứ trong khoảng 30 năm khiến môi trường ở làng tái chế nhôm Mẫn Xá (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) trở thành nỗi sợ hãi của người dân.Bắc Ninh, làng tái chế nhôm Mẫn Xá, Làng tỷ phú, Ô nhiễm, khói bụi, làng tái chế nhôm,

XEM CLIP:

Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) được xem là làng nghề tái chế nhôm có quy mô lớn nhất miền Bắc. Hiện cả làng có 296 hộ sản xuất với khoảng 400 lò cô đúc nhôm.

Nghề đúc nhôm đã đem đến cuộc sống khấm khá cho người dân Mẫn Xá. Tuy nhiên, làng nghề này cũng để lại nhiều hệ lụy về môi trường.

Ông Bùi Đức Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết, nghề tái chế nhôm giúp người dân có công ăn việc làm, thu nhập cao, tuy nhiên do cách làm thủ công nên còn gây ô nhiễm.

"Nhiều hộ dân trong xã giàu lên nhờ làm nghề tái chế nhôm. Chính vì các ngôi nhà khang trang được xây dựng lên mà nhiều người ở nơi khác gọi đây là 'làng tỷ phú'", ông Thuyên nói.

Người dân làng Mẫn Xá có gần 30 năm làm nghề tái chế nhôm. Nhưng cũng từng ấy năm, người dân địa phương sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng.

W-lang-nghe-11-1.jpg
Tại Mẫn Xá, không khí đặc quánh khói bụi, xỉ thải chất đống quanh làng.

Theo người dân địa phương, vì thiếu chỗ xử lý xỉ thải nên các hộ kinh doanh, xưởng đúc nhôm vẫn hằng ngày đổ trộm ra môi trường, tràn lan từ đường đi đến cả nghĩa địa.

Đi dọc đường làng Mẫn Xá, ngoại trừ những lò đúc nhôm đang hoạt động, những ngôi nhà khác quanh năm "cửa đóng then cài". Thậm chí, xung quanh mỗi căn nhà đều được bịt kín bằng các tấm tôn, không có kẽ hở nhằm ngăn chặn khói bụi.

W-lang-nghe-5-1.jpg
Các hộ kinh doanh xây dựng lò tái chế nhôm ngay trong khuôn viên nhà mình.

Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Phù Xá, xã Văn Môn) cho biết, nhiều năm nay gia đình bà cũng như nhiều hộ dân nơi đây sống trong cảnh khốn đốn vì ô nhiễm môi trường từ các lò cô đúc nhôm. 

Theo bà Lan, gia đình bà phải đóng kín cửa 24/24h và không dám cho con trẻ ra ngoài sân chơi bởi không khí quá ngột ngạt. Bà Lan cho rằng, do sinh sống ở môi trường ô nhiễm, dùng nguồn nước bị ô nhiễm nên bà phải điều trị ung thư nhiều năm nay.

"Mùa nào cũng khổ nhưng chúng tôi cũng chẳng có điều kiện mà chuyển đi đâu. Cả năm chỉ có 1-2 tuần trong dịp Tết là nhà cửa sạch sẽ vì lúc ấy các lò nhôm đóng cửa, tạm dừng hoạt động để công nhân nghỉ Tết về quê", bà Lan chia sẻ.

W-lang-nghe-1-1.jpg
Xỉ thải nhôm được người dân đổ tràn ra nghĩa trang ngay cạnh làng.

Ông Nghiêm Xuân Hà (xã Văn Môn) cho biết, dù ô nhiễm là vậy nhưng người dân không biết kêu ai, nên đành phải sống chung. “Khi trời tạnh ráo, bụi xỉ nhôm bám vào lá cây, mái nhà… Khi nào có mưa, nước rớt xuống đen kịt”, ông Hà cho hay.

W-lang-nghe-8-1.jpg
Các lò tái chế nhôm hoạt động hết công suất, khói bụi bay quanh làng.

Người dân Mẫn Xá đều biết, làm nghề tái chế nhôm là nguy hại sức khỏe, nhưng vì kế sinh nhai, họ đành bất chấp, xây dựng lò tái chế nhôm ngay trong khuôn viên nhà mình. Trên 90% lao động tại địa phương gắn bó với nghề, nhưng không một ai mặc đồ bảo hộ lao động, nếu có thì cũng chỉ là đeo một chiếc khẩu trang.

Là công nhân xuống Bắc Ninh làm thuê cho một xưởng tái chế nhôm, anh N.X.T. (ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cho biết, những ngày đầu vào làm công việc này cảm thấy khó chịu, khó thở vì hít khói.

Lâu ngày anh T. dần quen mùi, quen công việc, quen với sự khó thở. Vì nuôi gia đình và mong muốn có một cuộc sống sung túc hơn nên anh T. bất chấp sức khoẻ để làm việc.

“Công việc tuy nặng nhọc nhưng mỗi tháng thu nhập của tôi được khoảng 15-20 triệu đồng, giúp trang trải cho gia đình. Chính vì thế, dù biết công việc của mình gây nguy hại đối với sức khỏe nhưng tôi vẫn cố gắng làm. Nếu tôi nghỉ bây giờ thì chưa tìm được nơi nào có thu nhập cao hơn", anh T. chia sẻ.

W-lang-nghe-3-1.jpg
Đường làng, ngõ xóm lúc nào cũng rơi vào tình trạng ô nhiễm.

Phó Chủ tịch xã Văn Môn Bùi Đức Thuyên nói thêm, mỗi năm làng Mẫn Xá tái chế ra khoảng 10.000 tấn nhôm thỏi; trung bình mỗi ngày tái chế khoảng 30 tấn nhôm, thải ra khoảng 3-4 tấn xỉ thải.

“Bãi xỉ nhôm đã có từ lâu, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, khối lượng xỉ nhôm lên đến trên 370.000 tấn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, ông Thuyên thông tin.

W-lang-nghe-2.jpg
Mỗi ngày có khoảng 3-4 tấn xỉ nhôm được thải ra môi trường.

Theo ông Thuyên, thực trạng xử lý ô nhiễm môi trường ở xã Văn Môn rất khó khăn và cần phải có lộ trình dài để triển khai thực hiện. Bởi vì mỗi ngày toàn xã phát sinh hàng chục tấn tro, xỉ phế thải ra môi trường nhưng không có biện pháp xử lý triệt để.

Theo kết quả rà soát từ trạm quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, ô nhiễm không khí và môi trường nước đang là vấn đề đáng lo ngại tại làng nghề Mẫn Xá. Các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) trong không khí đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,8 lần; các chỉ tiêu phân tích hữu cơ và kim loại nặng tại các ao tiếp nhận nước thải cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 - 16 lần.

Trước thực trạng ô nhiễm ở làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, tỉnh Bắc Ninh đã quyết liệt chỉ đạo huyện Yên Phong phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

W-lang-nghe-2-2.jpg
Lãnh đạo địa phương cho biết, thực trạng xử lý ô nhiễm môi trường ở xã Văn Môn rất khó khăn và cần phải có lộ trình dài để triển khai thực hiện.

Từ năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt 45 vụ việc vi phạm với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng. UBND tỉnh xử phạt 12 doanh nghiệp, cá nhân với số tiền 2,7 tỷ đồng, đồng thời, đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với các cơ sở vi phạm. Đặc biệt, chính quyền tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ các lều, xưởng sản xuất cô đúc nhôm tạm bợ của 140 hộ sản xuất.

Tang Mộc

Comments (28)