[Vietnam News]

View - Bài 2: Hàng loạt sai phạm tại khu vực đồi Ba Vành, Hòa Bình

2024-02-07 16:04:18

Bài 2: Hàng loạt sai phạm tại khu vực đồi Ba Vành, Hòa BìnhQuy hoạch khu văn hóa tâm linh “treo” được tỉnh Hòa Bình và thành phố Hòa Bình ban hành quyết định giao đất, thu hồi đất khi chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Còn Giáo hội Phật giáo thành phố Hòa Bình lại xây dựng nhiều công trình không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong, ranh giới chưa rõ ràng… đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.Hòa Bình,Dự án treo,tỉnh Hòa Bình,trật tự xây dựng

Sai phạm chồng sai phạm

Theo tìm hiểu, cho đến thời điểm hiện nay, tại khu vực đồi Ba Vành sau 17 năm vẫn không có hồ sơ dự án nào mang tên “các công trình văn hóa tâm linh” được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt.

Tại báo cáo ngày 24/11/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình do Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Hữu Luyện ký đã nêu rõ: Cho đến thời điểm hiện nay, khu vực địa điểm đồi Ba Vành thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh chưa hề có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án “xây dựng trụ sở và các công trình văn hóa tâm linh thành phố Hòa Bình”.

Điều đáng nói, phía Ban đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình khi chưa có ranh giới, mốc giới đã tự “khoanh bao” diện tích đất trong đó có cả đất đang ở của nhiều hộ dân đang sinh sống.

 Bài 2: Hàng loạt sai phạm tại khu vực đồi Ba Vành, Hòa Bình ảnh 1

Khu vực tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (dưới chân đồi Ba Vành) - nơi tỉnh Hòa Bình quy hoạch "treo" xây dựng các công trình văn hóa tâm linh.

Đến nay, Ban đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình vẫn chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong nên vẫn chưa có quyết định giao đất; chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó phần lớn đất thu hồi để giao cho chủ đầu tư là đất trồng rừng, đất trồng cây lâu năm, đất ở đô thị. Ban đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình đã vi phạm luật về xây dựng. Đồng thời, việc xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp do chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất là trái quy định pháp luật.

Ông Ngô Xuân Thu, Trưởng phòng Tôn giáo, Sở Nội vụ Hòa Bình cho biết, ban đầu người dân sống quanh khu vực đồi Ba Vành rất ủng hộ chủ trương quy hoạch xây dựng khu văn hóa tâm linh. Nhưng do phía Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình không đủ năng lực tài chính để giải phóng mặt bằng hết cho các hộ dân liên quan. Những hộ dân sống quanh khu vực này mong muốn, khu vực nào Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình chưa hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng thì đề nghị tỉnh Hòa Bình đưa ra khỏi quy hoạch để người dân được sửa sang nhà cửa, mua bán, thực hiện làm các thủ tục về đất đai để yên tâm sinh sống.

Còn việc nhà chùa nhận tro cốt, khi nắm được việc này phía Sở Nội vụ đã làm việc và có ý kiến với nhà chùa là phải làm các thủ tục xin giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật.

 Bài 2: Hàng loạt sai phạm tại khu vực đồi Ba Vành, Hòa Bình ảnh 2

Người dân tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình bức xúc vì quy hoạch "treo" nhiều năm nay không được tháo gỡ.

Theo Sở Xây dựng Hòa Bình, hiện nay chỉ có duy nhất chùa Phật Quang tự ở chính giữa và đền Trình phía dưới cổng lên là được cấp phép xây dựng. Còn lại toàn bộ các công trình tổ hợp khác chung quanh chùa đều không có giấy phép xây dựng.

Tính từ thời điểm có quyết định thu hồi đất năm 2007 cho đến nay chủ đầu tư dự án là Ban đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình vẫn chưa chi trả xong tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; chưa có dự án tái định cư cho các hộ gia đình cá nhân bị thu hồi đất. Việc các cơ quan tỉnh Hòa Bình quyết định thu hồi đất trong khi “Không có dự án tái định cư trước khi thu hồi đất” là vi phạm Luật Đất đai năm 2003.

Mặc dù chủ đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa chuyển mục đích sử dụng đất; chưa được bàn giao đất; không có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, nhưng vẫn được Sở Xây dựng Hòa Bình cấp Giấy phép xây dựng số 33/GPXD cho Ban đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình.

Lẽ ra các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp khi chưa được cấp phép các thủ tục theo quy định cần phải được cưỡng chế tháo dỡ như tất cả các công trình vi phạm khác. Nhưng các công trình lại được lần lượt xây dựng rồi ngang nhiên hoạt động suốt nhiều năm mà không cấp chính quyền nào xử lý.

Hiện, trên đỉnh đồi Ba Vành, Ban đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình đã xây dựng các khu nhà: Khu thứ nhất, chùa Phật Quang tự được xây dựng từ năm 2007, đưa vào hoạt động từ năm 2014 đã được cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, khi chưa có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa bàn giao đất, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 thì Sở Xây dựng Hòa Bình căn cứ vào đâu để cấp giấy phép xây dựng?

Khu thứ hai, Ban đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình xây 2 dãy nhà kiên cố không có giấy phép xây dựng, mỗi nhà vài trăm m2. Trong đó có một nhà 2 tầng hiện nay đang sử dụng vào việc kinh doanh lưu giữ tro cốt cho người đã mất của khách thập phương đến gửi, theo hình thức thu tiền dịch vụ. Mỗi ô để tro cốt được “thỏa thuận” có giá từ 25 đến 35 triệu đồng (tùy theo vị trí). Người dân quanh khu vực đặt câu hỏi, hoạt động dịch vụ về lưu giữ tro cốt người chết nêu trên của nhà chùa đã được các cơ quan chức năng đánh giá tác động môi trường chưa?...

Những vi phạm trên liên quan trực tiếp đến công tác quản lý Nhà nước từ cấp Ủy ban nhân dân phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình; Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình; Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình; Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình.

Điều đáng nói, tất cả các cấp, các ngành trên đều biết Ban đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình vi phạm, nhưng không ngăn chặn, không xử phạt, không cưỡng chế, không tháo dỡ…

Điều kỳ lạ là, lãnh đạo các cấp chính quyền từ phường, đến thành phố, đến các sở, ngành, cho đến Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình qua các thời kỳ đều thấy quy hoạch trên không còn phù hợp, vướng nhiều sai phạm, nhưng vẫn... để đó.

 Bài 2: Hàng loạt sai phạm tại khu vực đồi Ba Vành, Hòa Bình ảnh 3

Ngôi nhà kiên cố trên không có giấy phép xây dựng.

Dưới báo cáo lên chờ… trên chỉ đạo xuống

Người dân quanh khu vực do bức xúc, đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các ngành, các cấp, nhưng mọi việc vẫn mòn mỏi đợi chờ.

Tại kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh trong buổi tiếp công dân định kỳ tháng 1/2024 về nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại đồi Ba Vành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo giải quyết từ tháng 5/2023, tổ chức nhiều hội nghị bàn giải quyết những đề nghị bức xúc, cấp thiết của công dân và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Để bảo đảm ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân theo quy định pháp luật; đồng thời để xem xét giải quyết toàn diện, triệt để, khách quan các nội dung đề nghị của công dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Giám đốc các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Chánh Thanh tra tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình và các cơ quan, đơn vị có liên quan: tổ chức kiểm tra, rà soát, thống nhất, xác định ranh giới quy hoạch tỉnh, quy hoạch phân khu và các quy hoạch có liên quan đến công trình trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại đồi Ba Vành; việc thực hiện các trình tự, thủ tục về xác định ranh giới, mốc giới giữa diện tích đất đã được đền bù giải phóng mặt bằng để giao cho chủ đầu tư xây dựng công trình và diện tích đất đã được quy hoạch nhưng chưa thực hiện giải phóng mặt bằng; ranh giới, mốc giới giữa diện tích đất của các hộ dân bị ảnh hưởng; thống nhất về ranh giới công trình trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại đồi Ba Vành bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, tổ chức, nhà nước.

Sở Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ việc xây dựng các công trình tại trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại đồi Ba Vành. Đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình (chủ đầu tư công trình) thực hiện đúng trình tự, đúng quy định và thời gian thực hiện dự án.

Mới đây, ngày 31/1/2024, Sở Xây dựng Hòa Bình có văn bản Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc giải quyết nội dung liên quan đến khu văn hóa tâm linh chùa Phật Quang tự do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Tiến Lập ký nêu rõ: Đối với diện tích còn lại chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (khoảng 7,4ha) qua rà soát có khoảng 4ha là nhà ở và các công trình xây dựng của các hộ dân đang sinh sống ổn định; 3,4ha đang được các hộ dân sử dụng trồng cây cối không có nhà ở, công trình xây dựng.

Theo Đồ án quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/3/2021 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hòa Bình đến năm 2035 được tỉnh Hòa Bình phê duyệt năm 2018 thì khu văn hóa tâm linh chùa Phật Quang tự được định hướng là đất tâm linh, với diện tích khoảng 12,5ha. Tuy nhiên, trong phần diện tích nêu trên bao gồm cả phần diện tích đất dân cư hiện hữu, dẫn đến việc thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn...

 Bài 2: Hàng loạt sai phạm tại khu vực đồi Ba Vành, Hòa Bình ảnh 4

Khu nhà để tro cốt trên cũng không có giấy phép xây dựng.

Trước đó, ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng tổ chức Hội nghị với sự tham gia của các ngành, địa phương và Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình. Hội nghị đã thống nhất “Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện các thủ tục giao đất theo quy định của Luật Đất đai đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng; phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình nghiên cứu phương án và chi phí giải phóng mặt bằng, bố trí khu tái định cư và nguồn vốn thực hiện đối với các hộ dân trong khu vực khu văn hóa tâm linh chùa Phật Quang tự” và gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Xây dựng. Tuy nhiên, Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình lại không có đề xuất gì liên quan đến nội dung trên.

Sở Xây dựng giao Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát ranh giới khu đất tâm linh còn lại và đất khu dân cư hiện hữu làm cơ sở đề xuất phương án để đưa vào Đồ án quy hoạch chung đô thị thành phố Hòa Bình đến năm 2045 và đồ án quy hoạch phân khu của khu vực nêu trên đang được Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức lập. Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng và quản lý trật tự xây dựng tại khu vực nêu trên…

Trước tình hình trên, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cùng các sở, ngành, thành phố khẩn trương gỡ quy hoạch “treo” khu văn hóa tâm linh trên để các hộ dân quanh khu vực yên tâm sinh sống.

Tang Mộc

Comments (17)