[Vietnam News]

View - Ẩn ý của ông Putin khi cảnh báo phương Tây về chiến tranh hạt nhân - VnExpress

2024-03-01 07:03:43

Ẩn ý của ông Putin khi cảnh báo phương Tây về chiến tranh hạt nhân - VnExpressKhi cảnh báo về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân, ông Putin được cho là muốn thăm dò phản ứng và răn đe nỗ lực tăng viện trợ Ukraine của phương Tây.Vladimir Putin, Ukraine, Nga, chiến sự Nga – Ukraine

Trong Thông điệp Liên bang ngày 29/2, Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc phương Tây đang tìm cách làm suy yếu Nga. Ông cảnh báo hậu quả của việc can thiệp vào Liên bang Nga hiện nay sẽ thảm khốc hơn so với những giai đoạn trước và có nguy cơ dẫn đến chiến tranh hạt nhân.

"Các đối thủ nên nhớ rằng Nga sở hữu vũ khí có thể tấn công mục tiêu trên lãnh thổ của họ", ông chủ Điện Kremlin nói. "Và điều này có thể dẫn tới một cuộc xung đột có sử dụng vũ khí hạt nhân, nguy cơ hủy diệt nền văn minh".

Đề cập đến tuyên bố gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về ý tưởng triển khai quân đội phương Tây đến Ukraine, ông Putin cho rằng lực lượng NATO tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine đang lựa chọn mục tiêu và "chuẩn bị tấn công lãnh thổ của chúng tôi" bằng "những đơn vị hiệu quả nhất".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang tại Moskva ngày 29/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang tại Moskva ngày 29/2. Ảnh: AFP

Callum Fraser, nhà nghiên cứu an ninh Nga và Á - Âu tại Viện nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), nhận xét việc sử dụng thuật ngữ "cuộc chiến" để đề cập tới xung đột ở Ukraine là động thái đáng chú ý trong tuyên bố của Tổng thống Nga, người trước đây luôn gọi hoạt động của Nga tại nước láng giềng là "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Tuy nhiên, Fraser cho rằng điều này phù hợp với những thay đổi gần đây của Điện Kremlin trong khắc họa những gì đang diễn ra ở Ukraine là cuộc đối đầu rộng lớn hơn giữa Nga với phương Tây.

"Điều này có mối liên hệ với những tín hiệu gần đây từ Tổng thống Putin về việc sẵn sàng đàm phán, nhưng chỉ thông qua lăng kính của ông ấy về cách hệ thống quốc tế nên vận hành", Fraser nói. "Trong hệ thống đó, chỉ có các cường quốc thảo luận với nhau và Ukraine bị gạt khỏi bàn đàm phán".

Theo Fraser, lời cảnh báo về vũ khí hạt nhân và cụm từ mà Tổng thống Putin sử dụng rằng "chúng tôi cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ" là "cách khéo léo thăm dò phản ứng và khả năng đoàn kết của phương Tây", đặc biệt sau bình luận gây tranh cãi từ Tổng thống Macron về việc điều quân tới Ukraine.

Ý tưởng đưa quân tới Ukraine mà Tổng thống Pháp đưa ra hồi đầu tuần đã vấp phải sự hoài nghi từ chính NATO và các đồng minh châu Âu. Anh, Mỹ, Đức, Ba Lan và lãnh đạo NATO đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này, khẳng định lực lượng của họ sẽ không được triển khai tham chiến ở Ukraine.

Bằng Thông điệp Liên bang của mình, "Tổng thống Putin một lần nữa mô tả Nga là nạn nhân của những hành động thù địch từ phương Tây, nêu bật những thành công gần đây mà quân đội đạt được nhằm đoàn kết người dân trong nước", Fraser nhận xét.

Bình luận viên Georgi Kantchev và Ann M. Simmons của Wall Street Journal cũng đánh giá cảnh báo về "chiến tranh hạt nhân" trong bài phát biểu đã củng cố quan điểm của Tổng thống Nga coi xung đột ở Ukraine là một cuộc đối đầu hiện hữu với phương Tây, làm tăng nguy cơ khủng hoảng lan rộng hơn khi các cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu tan rã.

Mark Massa, chuyên gia từ Hội đồng Đại Tây Dương, viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho hay đây là động thái bất thường của Tổng thống Nga khi xung đột ở Ukraine đang lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng đây không phải lần đầu lãnh đạo Nga đề cập đến vũ khí hạt nhân khi mô tả quan hệ với phương Tây.

"Đe dọa về xung đột hạt nhân đã là một thành tố chính trong các hành động của Nga kể từ xung đột ở miền đông Ukraine năm 2014 và sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ", Massa cho hay.

Vào mùa hè năm 2022, Tổng thống Nga cũng gây sốc khi tuyên bố đặt lực lượng hạt nhân Nga vào trạng thái "sẵn sàng chiến đấu cao", khiến nhiều nước phương Tây lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh hủy diệt, trong bối cảnh quân đội Ukraine mở đợt phản công chớp nhoáng giành lại nhiều vùng lãnh thổ từ tay Nga.

Cảnh báo hạt nhân của Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine khi đó được cho là "lên đến đỉnh điểm", song từ đó đến nay, chưa có diễn biến leo thang đặc biệt nghiêm trọng nào xảy ra. Mỹ và các đồng minh NATO cũng không phát hiện dấu hiệu bất thường nào với lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.

Theo Fyodor Lukyanov, chuyên gia về chính sách đối ngoại thân cận với Điện Kremlin, cảnh báo của ông Putin được thúc đẩy bởi kịch bản một quốc gia NATO điều quân tới Ukraine như ý tưởng của ông Macron. Nhưng rộng hơn, Tổng thống Putin đang muốn "răn đe" phương Tây về những cam kết cung cấp vũ khí mạnh hơn cho Ukraine khi lợi thế chiến trường của Nga ngày càng gia tăng.

"Tổng thống Macron không phải người duy nhất bắt đầu nói rằng chiến thắng của Nga là không thể chấp nhận được", Lukyanov bình luận. "Ở phương Tây, họ không còn nói về một thỏa thuận hòa bình, họ đang nói về việc không để Nga giành thắng lợi".

Lukyanov cho rằng mục tiêu ông Putin hướng đến là tránh tối đa khả năng phương Tây can dự trực tiếp vào cuộc xung đột và "bước vào đàm phán với những điều kiện có lợi cho Nga".

Trong bài phát biểu ngày 29/2, Tổng thống Putin ra hiệu rằng ông muốn các cuộc đàm phán đó không chỉ về tương lai Ukraine mà còn liên quan đến "an ninh bình đẳng và không thể chia cắt ở Á-Âu".

Tổng thống Putin từng tìm kiếm một thỏa thuận an ninh sâu rộng với NATO vào cuối năm 2021, vài tuần trước khi ông tiến hành chiến dịch tại Ukraine. Lúc bấy giờ, các quan chức phương Tây đã bác bỏ đề xuất từ Nga và cho rằng chúng sẽ củng cố ảnh hưởng của Nga trên toàn vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô trước đây.

Về phần mình, Nhà Trắng đã ngăn chặn nỗ lực của Nga nhằm kéo Mỹ vào trung tâm của bất kỳ cuộc đàm phán nào về xung đột ở Ukraine. Các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh rằng Washington chưa bao giờ và sẽ không có ý định thay mặt Kiev đứng ra đàm phán với Moskva.

Nhưng chính trường Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với một bước ngoặt lớn, khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11, trong đó Donald Trump được coi là một ứng viên nổi bật. Trump đầu tháng trước nói rằng ông sẽ khuyến khích Nga tấn công các thành viên NATO không hoàn thành cam kết chi tiêu quốc phòng của liên minh.

Tuyên bố của Trump làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Mỹ bỏ rơi các đồng minh châu Âu, đồng thời tiếp thêm động lực cho Tổng thống Putin về kéo dài chiến sự Ukraine, giới chuyên gia đánh giá.

Nhưng giới phân tích cho rằng mục đích chính của ông Putin khi đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ trong Thông điệp Liên bang là nhằm xoa dịu người dân Nga trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra, trong đó ông là ứng viên hàng đầu.

Tổng thống Nga sử dụng phần lớn bài phát biểu để cam kết hiện đại hóa nền kinh tế và mang đến thu nhập cao hơn cho người dân khi đất nước đang phải vật lộn với sóng lạm phát gần đây. Ông tuyên bố sẽ hỗ trợ các gia đình bình dân, người hưu trí và giáo viên, những thông điệp rõ ràng nhằm trấn an người dân và đảm bảo rằng họ vẫn tiếp tục ủng hộ chiến sự tại Ukraine.

"Thông điệp về hạt nhân của ông ấy hoàn toàn bình thường", Andrei Kolesnikov, thành viên cấp cao tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, trụ sở tại Berlin, Đức, nhận xét. "Nhiệm vụ của nó hoàn toàn khác, không phải làm mọi người sợ hãi, mà là giúp họ bình tĩnh lại".

Vũ Hoàng (theo iNews, WSJ, Reuters, AFP)

Tang Mộc

Comments (19)