[Ẩm thực]
View - Du lịch biển Việt Nam đừng trở thành 'phiên bản nhái của Thái Lan'
2024-03-14 07:12:06
Du lịch biển Việt Nam đừng trở thành 'phiên bản nhái của Thái Lan'Nhiều địa phương ở Việt Nam muốn áp dụng mô hình phát triển du lịch biển như Phuket (Thái Lan), tuy nhiên chỉ dừng ở mức “copy-paste” mà không nắm rõ mình có lợi thế và hạn chế ra sao.du lịch biển, thái lan, việt nam, phuket, du lịch bình định
Việt Nam là quốc gia có vị trí biển thuận lợi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với đường bờ biển kéo dài, nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng khắp thế giới, thu hút du khách. Ngoài vẻ đẹp hấp dẫn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chúng ta có tiềm năng rất lớn để khai thác các hoạt động thể thao, giải trí trên biển như du thuyền, đua thuyền buồm, lặn biển, ván đứng...
Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội định vị mình trở thành "Quốc gia của các sự kiện du lịch biển quốc tế". Vấn đề là, chúng ta có đang định vị như vậy không và nếu có thì chiến lược nào khả thi để có thể biến những ước mơ thành hiện thực, đem lại doanh thu về cho đất nước cũng như quảng bá một Việt Nam tươi đẹp, năng động trong mắt bạn bè quốc tế?
Để làm rõ nội dung này, báo VietNamNet tổ chức chương trình Bàn tròn với chủ đề Liên kết các bên để định vị "Việt Nam – Quốc gia của các sự kiện du lịch biển quốc tế".
Tham dự chương trình gồm ba vị khách mời:
- Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
- Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bình Định F1
Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch HĐQT Ana Marina Nha Trang
Mời bạn đọc theo dõi Phần 1: Du lịch biển Việt Nam: Dịch vụ chỉ mới đến mép nước, khai thác bề nổi
Tiếp nối Phần 1: Du lịch biển Việt Nam: Dịch vụ chỉ mới đến mép nước, khai thác bề nổi
Mời bạn đọc theo dõi Phần 2: Du lịch biển Việt Nam đừng trở thành "phiên bản nhái của Thái Lan"
Nhà báo Linh Trang: Nếu phía doanh nghiệp của ông Trần Việt Anh “lặn lội” mang sự kiện thể thao quốc tế về Bình Định thì những năm qua, doanh nghiệp của ông Đặng Bảo Hiếu cũng dành rất nhiều tâm huyết để đầu tư nền tảng cơ sở hạ tầng du lịch biển ở Nha Trang (Khánh Hòa). Ông Việt Anh đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư thiên lệch, tập trung quá nhiều về bất động sản. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, đơn vị của ông Hiếu lại đầu tư vào Bến du thuyền quốc tế Ana Marina Nha Trang.
Đây là bến du thuyền quốc tế đầu tiên của Việt Nam với khuôn viên rộng tới 40ha, sức chứa lên tới 220 du thuyền. Bến du thuyền này hứa hẹn sẽ mang một làn gió mới cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới đây.
Ông Đặng Bảo Hiếu, ông có thể chia sẻ kỹ hơn về nền tảng hạ tầng này? Và tham vọng, mục tiêu mà Ambassador Club - Ana Marina Nha Trang muốn đạt được? Quá trình đưa bến du thuyền quốc tế này đi vào vận hành có khó khăn như thế nào?
Ông Đặng Bảo Hiếu: Hơn 10 năm trước, khi tôi có ý tưởng đầu tư một bến du thuyền quốc tế thì hình dung về bến du thuyền quốc tế ở Việt Nam còn rất mờ nhạt.
Khi ấy, trong hành trình khám phá các quốc gia trên thế giới, tôi ấn tượng với bến du thuyền của họ. Dù nhiều nơi, điều kiện biển thua xa Việt Nam nhưng các bến du thuyền rất đẹp, có những cánh buồm mang đặc trưng riêng của địa phương, các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí trên biển hấp dẫn.
Một trong những mô hình tôi đã được biết đến và muốn học hỏi chính là Yacht Club Monaco của Thái tử Albert, với mục tiêu hàng đầu là phát triển du lịch thông qua các hoạt động diễn ra trên du thuyền.
Tôi rất tâm đắc với nhận định của ông Việt Anh là du lịch biển của chúng ta chỉ mới đến mép nước. Có lẽ tôi là một trong những người đầu tiên mon men đặt chân ra ngoài mép nước. Nhưng hành trình đó thực sự khó khăn, vô vàn rào cản.
Dự án của chúng tôi được cấp phép từ năm 2011. Khi ấy, Vịnh Nha Trang đã được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia. Vì đó, việc đưa được một hòn đá xuống vịnh Nha Trang là rất khó. Thời điểm ấy, người dân xung quanh không chấp nhận việc can thiệp vào thiên nhiên bằng những hình thức như vậy.
Tuy nhiên, đã xác định là nền kinh tế biển, chúng ta không thể khai thác theo cách hoang sơ được mà bắt buộc phải can thiệp, chỉ có điều là can thiệp như thế nào mà thôi. Nhìn chung có hai cách tiếp cận chính: can thiệp để tôn tạo tốt hơn, hay tác động tiêu cực và phá hủy môi sinh. Chúng tôi đi theo hướng doanh nghiệp bền vững, nên với bất cứ sự can thiệp nào vào tự nhiên, chúng tôi đều phải tính toán.
Bên cạnh đó, những năm 2011-2012, luật biển Việt Nam còn chưa rõ ràng. Ngay cả bây giờ, khi luật đã được ban hành thì có việc thực hiện hóa để đưa luật vào đời sống, để doanh nghiệp vận dụng, ứng dụng vào hoạt động kinh tế du lịch biển vẫn còn những khó khăn. Việc xây dựng một bến du thuyền quốc tế liên quan rất lớn đến an ninh, quốc phòng.
Dự án của chúng tôi được cấp phép từ năm 2011 nhưng đến năm 2015, tôi vẫn không làm được gì vì cứ loay hoay tìm cách tiếp cận đảm bảo cho việc đầu tư bền vững, an toàn.
Chúng tôi loay hoay mãi đến năm 2015, 2016, khi có cơ duyên gặp gỡ các chuyên gia của Camper & Nicholsons, công ty có 200 năm trong việc phát triển hạ tầng ven biển cho du thuyền. Họ đã thuyết phục được tôi với cách tiếp cận bền vững, còn chúng tôi đã thu hút được họ khi có chung định hướng phát triển hạ tầng ven biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ đó, chúng tôi đề ra được kế hoạch tổng thể để tạo nên Ana Marina. Chúng tôi phải học lại từ đầu, về cọc, kè, môi trường xung quanh, kể cả những vấn đề đơn giản như việc trồng cây xanh thế nào. Khi ấy tôi mới tự tin, có sự dũng cảm để tiếp tục xây dựng bến du thuyền quốc tế.
Như đã nói ở trên, chúng ta muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải liên kết, đồng hành cùng các đơn vị chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình đó cũng cần những lúc đi chậm mà chắc. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều công trình không phải sử dụng để phục vụ cho nhu cầu hiện tại mà để đáp ứng nhu cầu tương lai. Những công trình đó dù 10, 20 năm sau vẫn không lạc hậu.
Nhà báo Linh Trang: Vậy thưa ông Trần Việt Anh, khi đưa sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế về Việt Nam, ông phải đối mặt với khó khăn như thế nào?
Ông Trần Việt Anh: Tôi xin nói thật, ban đầu, tôi nghĩ rất đơn giản, chỉ cần mua bản quyền thành công và được sự đồng ý từ chính quyền tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch địa phương thì có thể đăng cai tổ chức giải F1 H20.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện thì khó khăn nối tiếp khó khăn.
Khó khăn đầu tiên là thuyết phục họ bán bản quyền. Trong việc này, tài chính không phải yếu tố quan trọng nhất. Chúng ta tự tin mình có lợi thế cảnh đẹp nhưng như thế là không đủ. Khi tôi giới thiệu về Bình Định, họ hoài nghi về nền tảng cơ sở hạ tầng. Đoàn chuyên gia của Liên đoàn Đua thuyền máy Quốc tế tới khảo sát, họ kiểm tra rất kỹ thông tin các bệnh viện, nơi lưu trú, tính toán số lượng phòng ra sao, có đủ phục vụ lượng khách dự kiến đổ về hay không. Họ đo thủy triều, mực nước lên xuống…
Họ rất chuyên nghiệp, bài bản. Họ tính toán kỹ càng mọi rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức sự kiện và có kế hoạch khắc phục. Ví dụ, nếu khán giả hoặc người chơi gặp tai nạn thì tuyến đường đến bệnh viện ra sao, thời gian di chuyển như thế nào.
Bộ quy trình họ chuyển giao cho chúng tôi khoảng 10.000 trang giấy viết bằng Tiếng Anh. Chúng tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ vì nếu xảy ra rủi đo thì đơn vị tổ chức phải gánh hậu quả khôn lường.
Trong quá trình thuyết phục và chuyển giao bản quyền có nhiều vấn đề phát sinh. Bản thân tôi cũng mệt mỏi, tưởng chừng phải bỏ cuộc.
Bên cạnh đó, thời gian chuẩn bị của chúng tôi hết sức gấp rút. Đối tác chia sẻ thẳng thắn, họ lo ngại thủ tục của nước ta chậm trễ, phức tạp. Họ từng tới Việt Nam tìm hiểu vài địa phương nhưng đều không thể tiến hành vì khâu thủ tục. May mắn là chúng tôi có sự chung tay của UBND tỉnh. Lãnh đạo địa phương, các đơn vị liên quan sẵn sàng họp ngoài giờ hành chính để giải quyết vấn đề phát sinh.
Để đạt được thỏa thuận với đơn vị nước ngoài, chúng tôi phải nhận tư vấn từ các công ty luật uy tín trên thế giới để tránh tối đa những sai sót. Khi xảy ra sự cố, vật chất đã đành, quan trọng nhất là ảnh hưởng hình ảnh của Việt Nam, khiến thế giới cho rằng Việt Nam không đủ đẳng cấp tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Kết hợp với đơn vị quốc tế chuyên nghiệp nên chúng tôi có thể đi nhanh. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đi nhanh nhưng phải bền vững. Đây là một thể thao cao cấp, đòi hỏi người chơi phải chi tiêu lớn. Trong sự kiện, chúng tôi kết hợp xúc tiến đầu tư để giới thiệu tới khách hàng về Bình Định và vùng kinh tế. Tôi lấy ví dụ, nếu có 10 đội đua tới từ các quốc gia khác nhau, trong đó có các tỷ phú. Đến tham gia sự kiện họ cũng sẽ biết tới tiềm năng của địa phương để mở ra cơ hội đầu tư. Khi ấy giá trị cộng hưởng tăng lên nhiều.
Ngoài ra, chúng tôi tính toán đến liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp. Sau này chúng tôi có thể hình thành những tour du thuyền từ Bến du thuyền quốc tế Ana Marina đi ra tới Bình Định để trải nghiệm F1 H20 rồi ra Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng. Mỗi địa phương nên có những sản phẩm du lịch biển riêng biệt, ấn tượng nhưng liên kết hài hòa với nhau.
Nhà báo Linh Trang: Trên thế giới, đôi khi chỉ cần 1 sự kiện văn hoá – thể thao quốc tế được tổ chức thành công và định kỳ nhiều năm tại 1 thành phố là đã có thể góp phần tạo nên một hình ảnh riêng cho cả quốc gia đó. Có thể lấy những câu chuyện thành công như Tuần lễ thời trang New York tại New York (Mỹ), Liên hoan phim Cannes tại thành phố nghỉ mát Cannes (Pháp), Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc)...
Việc tổ chức một giải đấu, một sự kiện văn hoá tại một địa phương chắc chắn luôn phải đặt trong tổng hoà bài toán phát triển kinh tế cũng như những mục tiêu chung của quốc gia. Vậy thưa các vị khách mời, làm thế nào để tối ưu sự cộng hưởng của các sự kiện văn hoá - thể thao với du lịch, để tạo ra hiệu quả tốt nhất trên tất cả các phương diện kinh tế - xã hội – môi trường?
Ông Hà Văn Siêu: Trước tiên các bên liên quan phải đánh giá mình có “chịu chơi” hay không, dám chơi hay không? Đây là sân chơi quốc tế nên chúng ta không thể tổ chức manh mún, qua loa mà phải làm lớn, làm đúng chuẩn mực quốc tế. Mỗi sự kiện cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan, từ chính phủ, bộ, ngành tới chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Muốn các sự kiện này đem lại hiệu quả kinh tế thì phải tổ chức chuỗi hoạt động đa dạng đi kèm. Chúng ta phải xác định sẵn sàng học hỏi, bỏ học phí để tiếp thu được kinh nghiệm của các quốc gia đi trước.
Tôi đánh giá rất cao sự quyết tâm phát triển du lịch biển theo chiều sâu của hai đại diện doanh nghiệp Bình Định F1 và Ana Marina Nha Trang. Tôi nhận thấy, vài năm trở lại đây, khuôn khổ thể chế và nhận thức đang thay đổi thích ứng với thực tiễn, cởi mở hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Sáng 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững. Tôi rất tâm đắc với chỉ đạo của Thủ tướng: Phát triển du lịch phải dựa vào sản phẩm đặc sắc; dịch vụ chuyên nghiệp.
Nếu chúng ta chưa làm được ngay thì vẫn phải bám theo định hướng đó. Nếu chúng ta chưa tự chuyên nghiệp được thì thuê các đơn vị tư vấn quốc tế chuyên nghiệp, làm việc với chuyên gia chuyên nghiệp, đối tác chuyên nghiệp và sẵn sàng bỏ học phí để học. Tổ chức một sự kiện ở điểm đến cần phải có chuỗi liên kết để tạo ra hiệu ứng tổng thể, để khách tới mà không muốn về.
Ông Đặng Bảo Hiếu: Để tổ chức thành công các sự kiện quốc tế, chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc tất cả thuận lợi và khó khăn.
Theo tôi, vấn đề nhận thức rất quan trọng. Hiện chủ thể - người làm du lịch Việt Nam chưa thoát khỏi tư duy “du lịch lúa nước”. Nhận thức của xã hội về du lịch biển, kinh tế biển cũng hạn chế. Trước nay khi nói tới biển, tôi hay phần đông mọi người chỉ biết nước ta có đường bờ biển dài 3260km nhưng không hiểu rõ, biết rõ về vùng biển, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế…
Hạn chế thức hai là cần quy hoạch, định hướng cụ thể, tạo hành lang pháp lý sáng rõ để doanh nghiệp không cần phải mò mẫm.
Một vấn đề quan trọng nữa không thể bỏ qua là đào tạo nhân lực chuyên nghiệp. Nếu không có nguồn nhân lực chuyên nghiệp thì không thể tổ chức sự kiện chuyên nghiệp.
Ông Trần Việt Anh: Những năm qua, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức, cử các đoàn đi khảo sát, học hỏi mô hình ở địa phương khác trong nước và ra cả nước ngoài. Nhiều đoàn sang Thái Lan, thấy mô hình biển Phuket thành công, hút khách, đem lại doanh thu lớn thì muốn mang về áp dụng. Tuy nhiên, chúng ta lại dừng ở mức “copy-paste”, không nắm rõ mình có lợi thế và hạn chế ra sao. Nếu Quy Nhơn, Nha Trang như Phuket thì khách quốc tế họ tới “bản gốc” chứ sao tới Việt Nam chỉ để tận hưởng “bản nhái”. Đó chính là vấn đề về nhận thức.
Tôi nhận thấy, các tỉnh thành hiện nay tập trung đầu tư thiên lệch vào phần cứng, như cơ sở hạ tầng resort, khách sạn,... nhưng ít tái đầu tư ngân sách vào phần mềm - đào tạo con người. Đào tạo nhân lực bao gồm đào tạo từ nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp với nhân viên. Chúng ta không thể chuyên nghiệp nếu thiếu nhân lực chuyên nghiệp. Những quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản thậm chí đào tạo nhân lực cho nước ngoài, đem về doanh thu. Nhưng chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, chi phí rẻ, thân thiện, chăm chỉ mà lại bỏ phí.
“10 năm trồng cây, 100 năm trồng người” nên đào tạo nhân lực là việc làm cấp thiết. Chúng ta phải định hướng nhu cầu tương lai để đào tạo đúng, trúng chứ không chỉ chăm chăm đào tạo nhân lực cho hiện tại. Hiện tại, chủ yếu ta đào tạo nhân lực phục vụ trong nhà hàng, khách sạn. Nhưng tương lai, nhân lực phục vụ du lịch biển vừa phải có sức khỏe thể chất vừa có kỹ năng chuyên nghiệp, đa dạng rất nhiều nghề. Khi các sản phẩm du lịch thể thao biển phát triển thì chúng ta lại thiếu nhân lực, phải chuyển nhân lực khách sạn, nhà hàng sang làm hướng dẫn lướt ván, đua thuyền… thì không thể chuyên nghiệp.
Ông Hà Văn Siêu: Quay lại câu chuyện chúng ta có thể đăng cai những sự kiện nổi tiếng quốc tế như Cannes hay không, tôi tin nếu chúng ta có công nghệ, ý tưởng, quyết tâm chúng ta có thể làm được. Quan trọng, chúng ta phải đầu tư về cả phần cứng và phần mềm để có chiến lược dài hạn.
Chúng tôi cùng các bộ, ngành, về mặt thể chế luôn luôn đổi mới, cởi mở, tạo ra một thể chế thuận lợi cho các nhà đầu tư, không chỉ nhà đầu tư trong nước và cả nhà đầu tư, đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, du lịch phải phát huy tính liên ngành, liên vùng, không thể địa phương này làm địa phương khác không phối hợp. Trong đó, Cục Du lịch Quốc gia nắm vai trò dẫn dắt để làm sao tìm được tiếng nói chung giữa các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư.
Các địa phương trước tiên phải hiểu mình, biết mình có gì, tôn trọng cái mình có để đầu tư vào đó, tạo ra sự đặc trưng và bản sắc riêng. Các địa phương phải luôn trân trọng con người địa phương, văn hóa địa phương, để làm nên thương hiệu địa phương.
Mời bạn đọc theo dõi toàn bộ Bàn tròn tại đây:
Mời quý độc giải đón xem Phần 3: Du lịch biển Việt Nam: Phú Quốc và bài học 'giữ bản sắc' không của riêng ai được đăng tải vào 8h30 phút ngày 2/12.
Thực hiện: Ban VietNamNet đa phương tiện
Ảnh: Phạm Hải
Thiết kế: Minh Hòa
Tang Mộc