[Vietnam News]
View - Những điều kỳ bí về ngôi Đền thiêng ở vùng đất Hồng Châu và Lễ hội đặc biệt Quan lớn Tuần Tranh
2024-03-15 17:23:27
Những điều kỳ bí về ngôi Đền thiêng ở vùng đất Hồng Châu và Lễ hội đặc biệt Quan lớn Tuần TranhGĐXH - Bên cạnh những nét độc đáo về lễ hội thì đền Tranh còn có nhiều điều đặc biệt thường xảy ra vào lễ hội chính qua các năm mà đến nay khó lí giải. Những điều đó được lặp lại nhiều lần như một sự linh ứng của ngôi đền thiêng...Lễ hội đên Tranh, Quan lớn Tuần Tranh, lễ rước nước, di tích quốc gia
Ngôi đền thiêng kỳ bí
Nhiều đời nay, người dân truyền tai nhau về ngôi đền Tranh (thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) ở mảnh đất Hồng Châu xưa không chỉ nổi tiếng linh thiêng, có hàng vạn du khách mọi nơi tìm về cầu may mà còn ẩn chứa nhiều truyền ngôn.
Đây cũng là ngôi đền thờ vị Thủy thần Quan lớn Tuần Tranh (con trai thứ 5 của Vua Cha Bát Hải Động Đình) và được sắc phong Công hầu. Tuy nhiên, ít ai biết được ở ngôi đền này còn có nhiều điều đặc biệt, kỳ bí...
Trao đổi với PV, nghệ nhân ưu tú Lưu Đức Anh Tuấn- Thành viên Ban quản lý di tích đền Tranh cho biết: "Ngôi đền này có nhiều điều đặc biệt thường xảy ra vào lễ hội chính qua các năm mà đến nay khó lí giải. Đáng chú ý, những điều đó được lặp lại nhiều lần như một sự linh ứng của ngôi đền thiêng…".
Theo ông Tuấn, sau khi kết thúc lễ hội tháng 2 âm lịch, trời thường xuất hiện mưa lớn. Còn những năm gần đây, khi chuẩn bị đến ngày mở hội thời tiết hay thất thường xuất hiện như: sấm, chớp, mây đen kéo đến kèm theo mưa nhỏ; nhưng vào thời điểm tổ chức khai hội thì ngớt mưa, trời quang mây tạnh.
Thậm chí có năm trước khi tổ chức lễ hội thời tiết vẫn bình thường, nhưng sau khi đánh trống khai hội hoặc đúng lúc đọc Chúc văn tế thì trời xuất hiện cơn mưa kéo theo những vần mây ngay trên đỉnh đầu của ngôi đền, mà theo theo dân gian gọi là "điểm trời".
Lý giải về sự việc trên, đại diện phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện Ninh Giang cho hay, đền Tranh thờ vị thần không phải Nhân thần, cho nên bản thân nó đã chứa đựng nhiều giai thoại, dị bản khác nhau...
Còn ở góc độ khoa học, lễ hội đền Tranh diễn ra vào tháng 2 âm lịch, thời điểm này thời tiết hay mưa xuân và rất hiếm năm trời quang mây tạnh, thậm chí là vần vũ nhưng khi tổ chức thường không mưa. Tuy nhiên, trước-sau khi tổ chức lễ hội thì thời tiết đang nồm và có mưa xuân là điều không thể tránh khỏi.
"Những truyền ngôn trên là có và được lưu truyền trong dân gian, còn những truyền ngôn này không gắn liền trực tiếp với di tích nên về mặt khoa học không được thể hiện trong hồ sơ, nhưng chúng ta nên trân trọng những điều của dân gian...", đại diện Phòng VH&TT huyện Ninh Giang cho biết.
Đền Tranh được khởi dựng từ bao giờ thì đến nay vẫn chưa có tài liệu nào xác định. Nhưng theo truyền thuyết, đền Tranh ban đầu là là một ngôi miếu nhỏ nằm sát ngã ba sông Chanh. Do sông Chanh đổi dòng nên phải chuyển vào phía trong và năm 1822 đã có nhiều người công đức để tôn tạo.
Khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Hải Dương, nhân dân chuyển đền về dựng tại phía Bắc đền cũ (khu doanh trại Lữ đoàn 513-Quân khu 3 hiện nay). Năm 1935 đền Tranh được xây dựng lại với khuôn viên rộng tới 4 mẫu Bắc bộ. Do nhu cầu mở rộng doanh trại quân đội nên ngôi đền này được chuyển về vị trí hiện nay (thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm) từ năm 1966.
Đền Tranh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 2009. Đến năm 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định Lễ hội truyền thống Lễ hội đền Tranh (xã Đồng Tâm) được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Những điều đặc biệt ở Lễ hội Quan lớn Tuần Tranh
Theo chính quyền địa phương, mỗi năm đền Tranh có 2 lễ hội; ngoài lễ hội truyền thống vào tháng 2 âm lịch thì tại ngôi đền này còn có lễ hội ngày 25/5 âm lịch (ngày Tiệc quan).
Lễ hội này bắt nguồn từ khi Quan lớn Tuần Tranh được điều lên trấn ải ở khu biên giới phía Bắc (nay thuộc phường vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) và ngày 25/5 âm lịch, quan mở tiệc mời tất cả dân làng đến chung vui.
Chia sẻ về lễ hội đền Tranh với PV, ông Nguyễn Thành Vạn-Phó chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết: "Đây là lễ hội rất đặc biệt, bởi ở những lễ hội khác cũng có rước, nhưng chỉ rước từ nơi cơ sở thờ tự này sang nơi thờ tự khác, hoặc rước quanh làng; nhưng tại lễ hội đền Tranh sẽ rước bài vị, rước tượng, kiệu của Quan lớn Tuần Tranh… từ đền Tranh đi qua địa bàn thị trấn Ninh Giang đến bến phà, sau đó ra giữa ngã ba sông Tranh để lấy nước, hay còn gọi là lễ rước nước".
Tương truyền rằng, Quan lớn Tuần Tranh xuất hiện ở ngã ba sông Chanh (con Vua thủy) nên phải lấy nước ở đúng nơi phát tích. Sau khi lấy nước về sẽ đưa vào trong Cung cấm để ban đêm làm lễ Mục dục và dùng chính nước này để bao sái, tắm rửa tượng quan trong Khám ( Hậu cung). Một phần nước còn lại khi được lấy về sẽ thờ Quan lớn Tuần Tranh cho đến lễ hội năm sau.
Trong lễ rước nước thông thường chỉ có người dân địa phương nơi tổ chức lễ hội tham gia. Tuy nhiên trong nghi lễ rước nước ở lễ hội đền Tranh có đoàn lân sư rồng của phường Vĩnh Trại (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn-nơi có đền Kỳ Cũng cũng thờ Quan lớn Tuần Tranh) tham gia. Theo tương truyền, đền Tranh (xã Đồng Tâm) là nơi sinh của quan, còn đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) là nơi hóa của quan. Chính điều này đã tạo nên sự giao thoa văn hóa vùng miền giữa mảnh đất của 2 địa phương với nhau.
Cũng theo PCT UBND huyện Ninh Giang, ở một số lễ hội không có phần đọc Chúc văn, nhưng ở lễ hội đền Tranh có phần này, đây chính là ca ngợi công lao của Quan lớn Tuần Tranh. Ngoài ra, phần Hội trong lễ hội đền Tranh quy tụ được sự tham gia của nhiều người các nơi khác ngoài địa bàn của huyện Ninh Giang và tỉnh Hải Dương tham gia vào các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật...
"Quy mô lễ hội đền Tranh năm nay được tổ chức lớn hơn, bởi năm 2022 lễ hội đền Tranh đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia nên lễ hội được UBND huyện đứng ra tổ chức, còn di tích thuộc UBND xã Đồng Tâm quản lý. Đặc biệt, năm nay, đền Tranh được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là điểm du lịch, đạt sản phẩm OCOP 4 sao về lĩnh vực văn hóa.
Việc đền Tranh được công nhận điểm du lịch là cơ sở để cho các đơn vị lữ hành, công ty du lịch thiết kế các tua, tuyến kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn, vùng lân cận… và mở ra hướng phát triển mới cho địa phương...", ông Vạn nói.
Ông Nguyễn Văn Phúc-Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho hay, trước đây người dân ngoài Bắc vào miền Nam lập nghiệp, trước khi đi mọi người đến đền Tranh xin một ít đất mang theo. Sau khi yên ổn sinh sống, họ cho lập ngôi đền Tranh tại đó và hiện tại ngôi đền này thuộc Quận 3 (TP. Hồ Chí Minh).
"Hiện nay trên cả nước có 3 đền thờ Quan lớn Tuần Tranh gồm: xã Đồng Tâm (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương); phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) và Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, 2 ngôi đền kia chỉ thờ vọng, còn thờ chính và lễ hội truyền thống thuộc đền Tranh, xã Đồng Tâm", Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết.
Lễ hội đền Tranh năm 2024 được tổ chức từ 19/3 và ngày 23, 24/3/2024 (tức ngày mùng 10 tháng 2 và ngày 14, 15 tháng 2 năm Giáp Thìn). Ngoài những lễ nghi truyền thống, trò chơi dân gian; lễ hội đền Tranh năm nay còn trưng bày các sản phẩm OCOP đặc trưng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Giang; lễ rước nước và công bố Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đền Tranh là điểm du lịch.
Tang Mộc