[Vietnam News]
View - Phát huy giá trị, bản sắc văn hóa mỗi vùng miền
2024-02-26 01:03:26
Phát huy giá trị, bản sắc văn hóa mỗi vùng miềnNhững năm gần đây, du lịch văn hóa đang trở thành xu hướng, vừa giúp du khách có được những trải nghiệm thú vị vừa góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa mỗi vùng miền. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều địa phương đã xây dựng và phát triển được các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, giàu màu sắc bản địa, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.Bản Sin Suối Hồ,Lô Lô Chải,Bản Lác,Nghệ thuật dân gian,Nghề thủ công,bản sắc,văn hóa đặc trưng,yếu tố bản địa
Có thể kể đến: Thủ đô Hà Nội khai thác nét văn hóa đặc trưng của phố cổ, của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long; Hội An với nhiều sản phẩm có chất liệu từ các nghề thủ công truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian; Đồng bằng sông Cửu Long với các tour du lịch mang tính “đặc sản” đều gắn với miệt vườn, sông nước, đờn ca tài tử...
Ngoài ra, các mô hình làng du lịch Nghĩa Đô (Lào Cai); bản Lác, bản Văn (Hòa Bình); bản Sin Suối Hồ (Lai Châu); làng văn hóa-du lịch Lô Lô Chải (Hà Giang)... cũng là những sản phẩm thành công được xây dựng từ những yếu tố bản địa đặc sắc của mỗi vùng miền núi phía bắc.
Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện không ít sản phẩm bắt chước, sao chép từ những thắng cảnh nổi tiếng. Du khách không cần phải đến Indonesia mới có thể chiêm ngưỡng Cổng trời Bali mà dễ dàng được nhìn thấy ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng); hay cây Cầu Vàng (Cầu bàn tay) trong quần thể du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng) được bê nguyên về Sóc Trăng, Lâm Đồng; Thành phố Venice (Italia) “thu nhỏ” cũng đã mọc lên ở đảo Phú Quốc... Các sản phẩm “đạo nhái” này có thể bước đầu thỏa mãn nhu cầu của một bộ phận du khách thích chụp ảnh bản thân nhưng về lâu dài, sẽ gây nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Việc bắt chước hay mô phỏng một công trình kiến trúc chỉ là sự lắp ghép rời rạc; hoàn toàn không có sự gắn kết, hài hòa trong một tổng thể về lịch sử, văn hóa, con người cũng như cảnh quan thiên nhiên chung quanh. Quan trọng nhất, những đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương sẽ dần trở nên yếu thế, dẫn đến nguy cơ phai nhạt; du khách không còn hứng thú với những trải nghiệm na ná nhau.
Theo kết quả một cuộc khảo sát khách du lịch quốc tế tại Việt Nam, 90% số khách thích nghe hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số địa phương; 71% số khách muốn được ngủ và ăn ngay tại các làng người dân tộc thiểu số; 81% số du khách muốn được tham gia dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm... cùng người dân; 83% số du khách muốn mua đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của người dân ở các hộ gia đình. Kết quả này phần nào cho thấy, văn hóa bản địa là giá trị cốt lõi mà mỗi du khách tìm kiếm và mong muốn được trải nghiệm khi đến một vùng đất mới. Nói cách khác, sự khác biệt về văn hóa mới chính là yếu tố kích thích sự tò mò, khám phá và hấp dẫn du khách.
Xây dựng và duy trì sản phẩm gắn với bản sắc của mỗi vùng miền là điều kiện cần thiết để phát triển du lịch văn hóa một cách bền vững. Tuy nhiên, chúng ta không thể nóng vội mà cần một quá trình, từ nắm bắt nhu cầu thị trường, cho đến nghiên cứu văn hóa bản địa, tìm sự tư vấn của những chuyên gia, nhà khoa học; tính toán sự phù hợp cảnh quan chung quanh, đo lường mức độ can thiệp vào tài nguyên di sản...
Trong quá trình này, cần tôn trọng bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, địa phương, điểm đến; hấp dẫn du khách bằng những sản phẩm du lịch mang đặc trưng, giá trị riêng, thay vì những sản phẩm mà du khách có thể dễ dàng tìm thấy và trải nghiệm ở bất kỳ đâu. Bởi bản sắc văn hóa là cả bề dày lịch sử hình thành, phát triển tập quán, phong tục, sinh hoạt, truyền thống... của cả một vùng đất hay một quốc gia.
Tang Mộc