[Vietnam News]
View - Ukraine liệu có vỡ mộng với máy bay F16 như vũ khí khác
2024-02-15 00:03:13
Ukraine liệu có vỡ mộng với máy bay F16 như vũ khí khácNếu phương Tây, đứng đầu là Mỹ, hỗ trợ Ukraine chiến đấu cơ F-16, thì liệu vũ khí này có làm thay đổi cục diện chiến tranh Nga-Ukraine, hay cũng thất bại như các vũ khí khác của phương Tây?xung đột giữa Nga và Ukraine, máy bay chiến đấu F-16, Không quân Mỹ, ukraine, nga
Do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine đang có thế bất lợi nghiêng về phía Ukraine, để hỗ trợ hiệu quả hơn cho hoạt động chiến đấu của Ukraine, các loại vũ khí, trang bị do châu Âu và Mỹ cung cấp cho Ukraine đã nhiều lần được nâng cấp đi từ vũ khí phòng thủ đến vũ khí tấn công.
Việc hỗ trợ vũ khí cũng bắt đầu từ vũ khí hạng nhẹ đến vũ khí hạng nặng như xe tăng chiến đấu chủ lực, xe bọc thép, bệ phóng tên lửa tầm xa cho đến hỗ trợ đạn chùm, tên lửa hành trình tầm xa đều chưa dừng lại. Hiện nay là máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
Gần đây, Không quân Mỹ xác nhận rằng, các phi công Ukraine đã bắt đầu được đào tạo điều khiển máy bay chiến đấu F-16 ở Arizona và khóa đào tạo sẽ kéo dài vài tháng. Điều này có nghĩa là việc hỗ trợ cho máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine đã bước vào giai đoạn đáng kể.
Máy bay chiến đấu F-16 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư một chỗ ngồi, một động cơ được phát triển bởi Công ty General Dynamics của Mỹ. Nó vẫn là một trong những máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Mỹ hiện nay, nhưng đang được thay thế dần bởi chiến đấu cơ tàng hình F-35.
Máy bay chiến đấu F-16 thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 12/1976 và được đưa vào sử dụng ngay sau đó; hiện đã có nhiều phiên bản cải tiến và được đánh giá là mẫu chiến đấu cơ thế hệ 4 thành công nhất trên thế giới với tổng số 4.600 chiếc được sản xuất.
Tiêm kích F-16 có hình dáng đơn giản, dài 15,02 mét, sải cánh 9,45 mét, cao 5,09 mét, trọng lượng rỗng 8,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 19,19 tấn, tốc độ bay tối đa tốc độ Mach 2,05, bán kính chiến đấu 900 km và trần bay tối đa 18.300 mét.
Kể từ khi ra đời, Mỹ luôn coi trọng việc phát triển F-16, với việc phát triển nhiều mẫu cải tiến, khiến F-16 vẫn có khả năng chiến đấu rất mạnh. Lực lượng Không quân Mỹ có kế hoạch tiếp tục sử dụng F-16 cho đến năm 2040 thông qua việc nâng cấp và kéo dài tuổi thọ.
F-16 đã phát triển nhiều mẫu, được chia thành F-16A/B; F-16C/D; F-16E/F, F-16V và các mẫu khác, trong đó mẫu F-16A/B là mẫu cơ bản của F-16, được sản xuất từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1980. A là mẫu một chỗ ngồi và B là mẫu hai chỗ ngồi (dùng huấn luyện).
Câu hỏi đặt ra là Ukraine có thể có được những khả năng gì từ những chiến đấu cơ F-16? Đầu tiên phải khẳng định, Mỹ và châu Âu sẽ không hỗ trợ Ukraine mua mẫu máy bay chiến đấu F-16 mới nhất.
Hiện tại, về cơ bản đã xác nhận các quốc gia đầu tiên cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine chủ yếu là Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy. F-16 của các nước này chủ yếu được sản xuất trong những năm 1980 và 1990, tính năng chính của chúng gần tương đương với F-16C/D Block50/52.
Số F-16 trên có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm trung AIM-120, tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9, tên lửa không đối đất AGM-65 và tên lửa chống hạm Harpoon. Đánh giá chung là chúng có khả năng không chiến tương đối mạnh.
Việc tại sao Mỹ lại đề xuất hỗ trợ Ukraine chiến đấu cơ F-16 chứ không phải vũ khí khác? Có thể thấy quan điểm của người Mỹ khi lựa chọn vũ khí hỗ trợ Ukraine, họ luôn phân tích, xác định chủng loại, mẫu mã vũ khí, trang bị mà Ukraine cần, dựa trên tình hình chiến trường, nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa tình hình chiến trường của cả hai bên.
Nói cách khác, Mỹ hiểu sâu sắc về sức mạnh của Nga và Ukraine; và không cho Ukraine tìm cách đạt được lợi thế về trang bị quy mô lớn khi hỗ trợ vũ khí cho Kiev. Mục đích của Mỹ là nỗ lực duy trì cuộc chiến, khi tình hình xung đột chưa rõ ràng.
Đồng thời Mỹ lợi dụng Ukraine càng nhiều càng tốt, để tiêu hao dân số, tài nguyên và tiền bạc của Nga; "làm chảy máu" nước Nga. Mô hình chiến tranh ủy nhiệm này xác định sự “dè dặt” của Mỹ, khi cung cấp vũ khí và trang bị cho Ukraine.
Với việc bùng nổ một vòng xung đột mới giữa Hamas và Israel và hiện nay là Mỹ và Houthi, thì tình hình Trung Đông ngay lập tức trở thành tâm điểm của thế giới, có khả năng làm loãng sự chú ý về tình hình giữa Nga và Ukraine. Trong trường hợp này, Ukraine rất lo lắng.
Khi chiến tranh kéo dài, các quốc gia trên thế giới bắt đầu rơi vào tình trạng kiệt sức. Sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với viện trợ cho Ukraine ngày càng giảm; Ba Lan và Slovakia tuyên bố sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Vì vậy, việc hỗ trợ F-16 có thể gửi tín hiệu rằng Ukraine “chưa bị bỏ rơi”.
Thứ hai là do Quân đội Ukraine chuyển sang sử dụng chiến thuật của NATO; tuy nhiên, khuyết điểm lớn nhất của chiến thuật này là cần có sự hỗ trợ mạnh từ trên không. Đây chính là điều mà Ukraine còn thiếu.
Trong cuộc phản công mùa hè năm 2023, chúng ta chứng kiến các đơn vị thiết giáp Ukraine lao thẳng về phía các trận địa của Nga mà không có sự yểm trợ từ trên không; đồng thời bị mìn, pháo tầm xa và UAV của Nga tấn công tàn nhẫn, dẫn đến tổn thất nặng nề. Do đó, việc cung cấp F-16 có thể mang lại cho Ukraine một số ưu thế trên không.
Thứ ba là nhu cầu của tình hình chiến trường, khi cuộc phản công lớn của Quân đội Ukraine đạt được ít thành công và thậm chí gần đây phải chuyển vào thế phòng ngự. Nếu quân đội Ukraine vốn thiếu ưu thế trên không, mà muốn lật ngược tình thế, thì sẽ cần ngày càng nhiều vũ khí, trang bị tối tân.
Sau khi châu Âu và Mỹ đã cung cấp tất cả các vũ khí mặt đất mà họ có thể hỗ trợ, mà không dẫn đến thay đổi ưu thế, thì việc F-16 bay tới Ukraine vào thời điểm này, là một lựa chọn tất yếu. Tuy nhiên câu hỏi Ukraine có thể lật ngược thế cờ, giành chiến thắng với F-16 không?
Trước hết, việc Ukraine sở hữu tiêm kích F-16 sẽ nâng cao năng lực chiến đấu của Không quân Ukraine, nhưng sẽ không mang lại lợi thế tuyệt đối trước Không quân Nga. Minh chứng là những chiếc MiG-29 và Su-27 có tính năng tương đương F-16 của Ukraine, hiếm có khả năng đánh trả khi đối đầu với Không quân Nga.
Ví dụ, tên lửa không đối không tầm xa R-37M được MiG-31 của Nga sử dụng, có tầm bắn lên tới 400 km và có thể bắn hạ máy bay chiến đấu Ukraine ở xa chiến tuyến với sự hỗ trợ của “radar bay” A-50U và các hệ thống radar cảnh giới tầm xa.
Trong chiến đấu, Su-30SM và Su-35 của Nga đã tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với các máy bay chiến đấu của Ukraine, chưa kể đến chiến đấu cơ tàng hình Su-57 mới nhất của Nga. Nếu F-16 vào Ukraine, nó có thể nâng cao hiệu quả chiến đấu của Quân đội Ukraine, nhưng sẽ không thể giành được ưu thế trên không khi đối đầu với Không quân Nga.
Thứ hai, năng lực chiến đấu của Quân đội Nga đã được cải thiện ở mức độ nhất định. Khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine, hiệu quả chiến đấu của Quân đội Nga quả thực rất kém; tuy nhiên thời gian trôi qua, Quân đội Nga đã kịp thời rút kinh nghiệm, tổ chức lại, thay đổi chiến thuật, thực hiện tác chiến có mục tiêu và khả năng chiến đấu của họ đã được cải thiện ở một mức độ nhất định.
Mới đây, Nga tuyên bố đã bắn hạ 24 máy bay chiến đấu của Ukraine trong vòng 120 giờ. Dù Quân đội Nga không tiết lộ về loại vũ khí, trang bị được sử dụng, nhưng chắc chắn rằng máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không S-400 của Nga đóng vai trò quan trọng; thậm chí có thể là do Su-57 được đưa vào chiến trường.
Hiện chiến tuyến giữa hai bên đã ổn định, Quân đội Nga đã thiết lập ba tuyến phòng thủ vững chắc ở tuyến tiếp xúc. Đối mặt với tuyến phòng thủ bao gồm số lượng lớn mìn, chiến hào và chướng ngại vật này, Quân đội Ukraine rất khó sử dụng xe tăng và xe bọc thép hiện có để đột phá.
Do vậy, việc sở hữu F-16 sẽ mang lại cho Quân đội Ukraine một số khả năng tấn công tầm xa, nhưng liệu số lượng F-16 hạn chế có thể giúp Không quân Ukraine giành được ưu thế trên không hay không, hiện vẫn còn là một dấu hỏi?
Cuối cùng, máy bay chiến đấu F-16 có yêu cầu cao hơn về bảo trì hàng ngày và điều kiện sân bay. Các phi công và kỹ sư Ukraine từ lâu đã được đào tạo và làm quen với việc sử dụng thiết bị của Liên Xô. Những trang bị này có yêu cầu bảo trì thấp, không có rào cản ngôn ngữ.
Giờ đây Không quân Ukraine đột ngột chuyển sang sử dụng F-16, đòi hỏi một quá trình thích ứng lâu dài. Do vậy làm thế nào để phát huy tối đa hiệu quả tác dụng của những máy bay chiến đấu F-16 cũng sẽ là một thách thức đối với Ukraine.
Do đó có thể kết luận, việc Ukraine sở hữu máy bay chiến đấu F-16 sẽ không có tác động ngay lập tức đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, mà sẽ chỉ tiếp tục làm cuộc xung đột kéo dài mà thôi.
Tang Mộc