[Ẩm thực]
View - Những công trình kiến trúc độc đáo được chờ đợi nhất năm 2024
2024-03-14 07:13:35
Những công trình kiến trúc độc đáo được chờ đợi nhất năm 2024Bảo tàng âm thanh Seoul, Trung tâm văn hóa và nghệ thuật Trung Quốc, nhà ở xã hội tại New York... là những công trình kiến trúc độc đáo được đón đợi nhất năm 2024 do Tạp chí Interni bình chọn.công trình, kiến trúc độc đáo, bảo tàng âm thanh, tòa nhà quốc hội, nhà gỗ, Trung tâm văn hoá và nghệ thuật Jinghe New City, thư viện, Olympic 2024, căn hộ,
1. Bảo tàng âm thanh Audeum
Bảo tàng âm thanh Audeum tại trung tâm Seoul, Hàn Quốc, dự kiến khai trương vào tháng 3/2024. Bảo tàng sẽ kích thích mọi giác quan thông qua các yếu tố thị giác, âm thanh, ánh sáng, gió và mùi hương.
Bảo tàng được thiết kế như một khu rừng hoà hợp với thiên nhiên, một toà nhà được bao bọc bởi vô số ống bằng nhôm sáng bóng, treo thẳng đứng. Công trình tạo hiệu ứng đẹp mắt nhờ bề mặt phản chiếu của các ống nhôm, ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua sẽ thay đổi theo thời gian, theo mùa.
2. Toà nhà Quốc hội Cộng hoà Bénin
Được xây dựng tại thủ đô Porto-Novo, do kiến trúc sư Diébédo Francis Kéré thiết kế, công trình hoành tráng này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024. Công trình được lấy ý tưởng từ cây Palaver, loại cây người châu Phi thường tụ họp dưới tán để đưa ra những quyết định mang tính cộng đồng.
3. Nhà gỗ Fornetta bên hồ Magiiore
Ngôi nhà gỗ này được thiết kế bởi kiến trúc sư Michele De Lucchi, toạ lạc bên hồ Maggiore, Ý. Đây được xem là ngôi nhà của thiên nhiên bởi nó được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, không dùng keo dán, hoá chất hay xi măng.
Nhà gỗ Fornetta được xây dựng theo kỹ thuật cổ xưa, như những tấm gỗ thông được ghép lại với nhau bằng chốt gỗ sồi hay tường nhà được phủ bằng đất nung và “gỗ mặt trăng”. Gọi là “gỗ mặt trăng” vì nó được khai thác vào mùa đông khi trăng khuyết, lúc này nhựa phân bổ đều trong thân cây.
4. Tháp Velasca tại Milan
Toà tháp Velasca được xem là công trình biểu tượng của thành phố Milan, nước Ý, được xây dựng từ năm 1956 đến năm 1958.
Sau hơn 2 năm lập kế hoạch và 3 năm thực hiện các khâu từ phân tích tài liệu khoa học, tìm hiểu lịch sử đến nghiên cứu thực địa, toà tháp này sẽ mang diện mạo mới trong năm 2024.
Toà tháp Velasca sẽ trở thành một tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng, nhà hàng và căn hộ. Dù được cải tạo lại nhưng đơn vị thiết kế Asti Architetti cho biết vẫn giữ tinh thần thiết kế ban đầu của công trình từ mặt ngoài cho đến nội thất.
5. Trung tâm văn hoá và nghệ thuật Jinghe New City
Công trình này toạ lạc ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, do nữ kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Zaha Hadid thiết kế. Hình ảnh uốn lượn bên dòng sông Jinghe gần đó làm công trình trở nên nổi bật.
Trung tâm văn hoá và nghệ thuật Jinghe New City bao gồm các không gian văn hoá, giải trí công cộng trong nhà và ngoài trời như thư viện đa phương tiện với thực tế ảo sống động, khu đọc sách, nhà hát, không gian đa chức năng, phòng trưng bày.
Ngoài ra, công trình còn có khu phức hợp với những khu vườn, lối đi và sân trên cao uốn lượn như một cây cầu bắc qua đường cao tốc 8 làn xe. Công trình được quy hoạch có mối liên kết với các khu thương mại và dân cư, ga tàu điện.
6. Bệnh viện nhi tại Zurich
Công trình bệnh viện nhi quy mô 200 giường tại Zurich, Thuỵ Sĩ này được thiết kế bởi công ty kiến trúc Herzog & de Meuron. Thay vì đứng theo chiều dọc, công trình được phát triển theo chiều ngang giúp kết nối mạng lưới giao thông xung quanh dễ dàng hơn.
Các không gian chức năng của công trình được thiết kế vừa mở vừa riêng tư. Bố cục tuần hoàn giúp các y bác sĩ thuận lợi hơn trong việc thăm khám và mỗi phòng bệnh được thiết kế như một ngôi nhà đảm bảo sự riêng tư cho bệnh nhân cũng như gia đình của họ.
7. Tổ hợp nhà ở Aquarela
Dự kiến đưa vào hoạt động tháng 4/2024, tổ hợp nhà ở Aquarela tại Quito, Ecuador gây ấn tượng với vẻ ngoài tràn ngập cỏ cây.
Dự án gồm 9 toà tháp dân cư, tổng quy mô 130.000m2. Ngoài các tiện ích chung như phòng tập thể dục, sân trượt băng, sân golf mini, bowling hay rạp chiếu phim. 600 căn hộ tại đây còn có hồ bơi riêng.
Với mục tiêu phục hồi hệ thực vật và góp phần cải thiện khả năng cách nhiệt, kiến trúc sư đã bố trí tổng cộng 1,5ha mảng xanh tại tổ hợp nhà ở này, bao gồm các loại thực vật bản địa và đặc hữu.
8. Thư viện thành phố Bắc Kinh
Dự kiến khánh thành vào năm 2024, thư viện thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc do một công ty kiến trúc của Na Uy thiết kế hứa hẹn sẽ trở thành không gian đọc lớn nhất thế giới.
Lấy ý tưởng từ tán cây bạch quả, đây là công trình kiến trúc đầu tiên tại Trung Quốc có mặt kính tự đỡ, với phần mái cao 16m được đỡ bởi các cột hình trụ.
Các cột này không chỉ đóng vai trò đỡ mái che mà còn có chức năng khác nhau, từ kiểm soát nhiệt độ, điều chỉnh âm thanh đến điều tiết ánh sáng, nước mưa. Trong khi đó, phần mái công trình có khả năng sản xuất năng lượng tái tạo từ ánh sáng mặt trời.
9. Tháp Unipol, Milan
Tháp Unipol tại Milan, nước Ý dự kiến khánh thành trong năm nay. Đây là trụ sở mới của Tập đoàn UnipolSai, toà tháp có hình elip, được làm bằng thép, gỗ và kính với quy mô 3 tầng hầm và 23 tầng cao. Công trình cao 120m, diện tích sàn khoảng 31.000m2.
Ngoài không gian thương mại, toà tháp Unipol sẽ có khán phòng hơn 270 chỗ ngồi, văn phòng và trên tầng thượng là khu vườn nhà kính có tầm nhìn toàn cảnh thành phố, có khu vực dành cho các sự kiện văn hoá và công cộng.
Bao bọc bên ngoài toà tháp là hai lớp kính, giúp cách nhiệt vào mùa đông và hạn chế nhiệt độ cao vào mùa hè. Độc đáo hơn, mặt tiền toà nhà còn có những tấm pin mặt trời và hệ thống thu gom nước mưa kép.
10. Nhà ở xã hội Atrium tại New York
Toạ lạc tại Brooklyn, New York, Hoa Kỳ, nhà ở xã hội Atrium cao 10 tầng, quy mô 197 căn hộ. Đây là khu phức hợp nhà ở xã hội dành cho người cao tuổi có thu nhập thấp và người vô gia cư.
Không gian nhà ở xã hội Atrium được tổ chức như một toà nhà có sân trong, với các hành lang nhìn về phía công viên trung tâm.
Những đường nét chéo dứt khoát nhô ra khỏi bề mặt toà nhà tạo ra các nếp gấp, như những căn nhà nhỏ ở đô thị. Một toà nhà không có sự cô lập mà mở ra, hướng về cộng đồng.
11. Làng vận động viên Olympic ở Paris
Thế vận hội Olympic 2024 và Thế vận hội Paralympic 2024 sẽ được tổ chức tại Paris, Pháp từ tháng 7-9/2024. Làng vận động viên Olympic được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Dominique Perrault, với quy mô 51ha.
Làng vận động viên Olympic sẽ đáp ứng 2.400 chỗ ở trong số 15.000 vận động viên đến từ 206 quốc gia. Nơi đây sẽ là không gian tràn ngập thiên nhiên nhưng vẫn kết nối thuận tiện với các tuyến tàu điện ngầm.
Sau khi kết thúc thế vận hội Olympic, năm 2025, dự kiến khu vực này sẽ được chuyển thành khu dân cư mới với các cửa hàng, văn phòng, khách sạn và không gian xanh.
12. Viện chăm sóc bệnh nhi cuối đời ở Bologna
Vẻ đẹp có thể xoa dịu nỗi đau. Câu nói này giải thích cho xu hướng ngày càng nhiều kiến trúc sư giỏi được mời tham gia thiết kế những công trình chăm sóc sức khoẻ để chúng vừa có tính thẩm mỹ vừa đáp ứng đầy đủ công năng. Điều này sẽ mang lại sự thoải mái và niềm hy vọng cho người bệnh.
Với tinh thần trên, Tổ chức chăm sóc cuối đời Maria Teresa Chiantore SeràgnoliOnlus đã hỗ trợ để phát triển Viện chăm sóc cuối đời cho bệnh nhi tại Bologna.
Một công trình mọc lên khỏi mặt đất trong không gian tươi sáng mang ý nghĩa của sự sống. Các thành viên nhỏ trong ngôi ngôi nhà này sẽ có tầm nhìn ngang ngọn cây, được hoà mình với thiên nhiên và sự tái sinh.
Công trình gồm nhiều gian nhà kết nối với nhau bằng hệ thống hàng lang và cầu thang, phía sau có các gian nhà được bố trí nằm quay quanh sân vườn.
Trên mảnh đất của ngôi nhà sàn tránh lũ hơn 50 năm tuổi, kiến trúc sư đã thiết kế ngôi nhà gỗ với mục tiêu vừa giữ lại không gian gần gũi với lối sống cũ vừa cởi mở hơn với thiên nhiên.
Tang Mộc