[Vietnam News]

View - Quân sự thế giới 8-3: Su-30 của Nga chặn máy bay Anh trên Biển Đen

2024-03-08 00:03:20

Quân sự thế giới 8-3: Su-30 của Nga chặn máy bay Anh trên Biển ĐenQuân sự thế giới hôm nay (8-3-2024) có những thông tin sau: Su-30 của Nga chặn máy bay Anh trên Biển Đen, Pakistan ra mắt xe tăng sản xuất trong nước.Nga,tiêm kích Su-30,tiêm kích Typhoon,Pakistan,Haider,tàu Zeven Provinciën,quân sự thế giới hôm nay 8/3/2024

* Su-30 của Nga chặn máy bay Anh trên Biển Đen

TASS dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, chiến đấu cơ đa nhiệm Su-30 của nước này đã ngăn chặn 3 máy bay Anh khi chúng tiếp cận biên giới Nga trên Biển Đen.

Tiêm kích Typhoon của không quân Anh. Ảnh: The Aviation Geek Club 

Cụ thể, các phương tiện kiểm soát không phận của Nga trên Biển Đen đã phát hiện 3 mục tiêu trên không tiến gần về phía biên giới Nga. Để ngăn chặn hành vi vi phạm biên giới quốc gia, một chiếc Su-30 của Nga đang làm nhiệm vụ đã được điều động tới khu vực này.

Các mục tiêu trên không được xác định là máy bay trinh sát - tác chiến điện tử RC-135 cùng 2 tiêm kích Typhoon của không quân Anh. Khi máy bay Nga tiếp cận, máy bay quân sự Anh đã quay đầu rời đi.

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, chuyến bay của Su-30 được thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận, không có hành vi tiếp cận nguy hiểm với máy bay nước ngoài.

* Pakistan ra mắt xe tăng sản xuất trong nước

Defense Blog đưa tin, Pakistan đã chính thức giới thiệu mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên mang tên Haider. Được biết, đây là thành quả hợp tác giữa nước này với tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc NORINCO.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Haider của Pakistan. Ảnh: Defense Blog 

Thực chất, Haider là tên mà Pakistan đặt cho xe tăng chiến đấu chủ lực VT4 của Trung Quốc, do chính quyền Islamabad mua bản quyền chuyển giao công nghệ để sản xuất trong nước với số lượng ước tính gần 700 chiếc.

Được phát triển bởi hãng NORINCO, VT4 nằm trong số những mẫu xe tăng hiện đại nhất của quốc gia tỷ dân, trong đó ứng dụng nhiều công nghệ từ mẫu xe tăng Type-99A và được lắp hệ thống phòng thủ chủ động GL-5. Nhìn chung VT4 được coi là một phiên bản sửa đổi từ chiếc Type 96 - loại xe tăng đóng vai trò xương sống trong lực lượng lục quân Trung Quốc hiện nay.

Clip buổi lễ ra mắt xe tăng Haider của Pakistan. Nguồn: InShort 

Về thông số kỹ chiến thuật, VT4 có trọng lượng chiến đấu 52 tấn, trang bị pháo chính nòng trơn cỡ 125mm uy lực có khả năng phóng tên lửa dẫn đường, cùng cảm biến cảnh báo bị tia laser chiếu. “Trái tim” của xe tăng là động cơ diesel tăng áp công suất 1.300 mã lực, giúp xe có độ cơ động còn cao hơn cả dòng T-90 của Nga. Giáp bảo vệ thụ động của xe cũng kín và mang lại cảm giác chắc chắn, đặc biệt là ở phần hông.

* Hàn Quốc chi khủng cho phòng thủ “3 trụ cột”

KBS News đưa tin, ngày 7-3, chính phủ Hàn Quốc công bố quyết định phân bổ 6.900 tỷ won (tương đương 5,19 tỷ USD) ngân sách trong năm nay để tăng cường hệ thống phòng thủ “3 trụ cột”.

Các hệ thống tên lửa phòng không Hyunmoo-2 và Hyunmoo-3 của Hàn Quốc. Ảnh: Reuters 

Hệ thống phòng thủ “3 trụ cột” mà xứ kim chi đang theo đuổi bao gồm hệ thống tấn công phủ đầu bằng tên lửa Kill Chain, hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD) và hệ thống trừng phạt và đáp trả trên diện rộng (KMPR).

Cụ thể, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc dự kiến cung cấp tàu khu trục Aegis thế hệ mới và tàu ngầm chiến lược 3.000 tấn cho quân đội; hoàn tất phát triển tên lửa dẫn đường đất đối không tầm xa (L-SAM) để xây dựng một hệ thống phòng thủ đa tầng. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ lập kế hoạch mua trực thăng cơ động cỡ lớn cho hoạt động tác chiến đặc nhiệm và bắt tay phát triển tên lửa dẫn đường đất đối không tầm trung M-SAM Block III.

Thêm vào đó, chính quyền Seoul sẽ tăng hỗ trợ với quy mô 2.600 tỷ won cho tới năm 2027 đối với 5 lĩnh vực trọng tâm trong nền quốc phòng tương lai là trí tuệ nhân tạo (AI), vũ trụ, công nghệ phối hợp có người lái và không người lái, ngành công nghiệp chíp bán dẫn và robot.

* Hà Lan tăng cường năng lực hải quân bằng tàu hộ vệ tên lửa mới

Theo Navy Recognition, Bộ Quốc phòng Hà Lan dự kiến dùng 3,5 tỷ euro để đặt hàng 4 tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới, nhằm thay thế các tàu lớp Zeven Provinciën đời cũ.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các tàu lớp Zeven Provinciën của Hải quân Hà Lan, vốn được đưa vào biên chế trong giai đoạn 2002-2005, sẽ chính thức bị loại biên vào đầu thập kỷ tới. Đồng thời, lực lượng này cũng cần phải trang bị những lớp tàu hiện đại nhằm đối phó với mối đe dọa đến từ tên lửa chống hạm siêu thanh hay phương tiện không người lái của đối phương.

Hiện chính phủ Hà Lan đang thảo luận về tiềm năng hợp tác với các nước châu Âu như Đan Mạch, Đức và Na Uy để thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào.

Bộ Quốc phòng Hà Lan kỳ vọng chiếc tàu đầu tiên sẽ được bàn giao không muộn hơn vào năm 2034, và chiếc cuối cùng trong số 4 tàu có thể đi vào hoạt động vào năm 2041. Như vậy có nghĩa là các tàu lớp Zeven Provinciën hiện tại phải tiếp tục phục vụ thêm 2 năm nữa so với kế hoạch ban đầu.

Mặc dù chưa có yêu cầu về thông số kỹ thuật cụ thể, song Hà Lan mong muốn các tàu mới cần có hệ thống phòng không nhiều lớp, ưu tiên các loại tên lửa khác nhau được cung cấp bởi cùng một nhà sản xuất. Các tàu này cũng có thể được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ và tên lửa tấn công hải quân Kongsberg của Na Uy.

MINH ANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Tang Mộc

Comments (12)