[Vietnam News]
View - Tiền 'boa' trong mắt khách du khách quốc tế tới Việt Nam - VnExpress Du lịch
2024-02-17 01:03:23
Tiền 'boa' trong mắt khách du khách quốc tế tới Việt Nam - VnExpress Du lịchBoa hay tip với nhiều du khách quốc tế là thói quen hay văn hóa, tuy nhiên sẽ "thật sai lầm" nếu người làm dịch vụ đưa ra gợi ý khi khách không hỏi.khách quốc tế, khách quốc tế đến Việt Nam, khách du lịch, khách nước ngoài, khách Mỹ, Mỹ, Hà Nội
Mới đây, câu chuyện về nữ du khách Mỹ bị đòi tiền "boa" và ép mua đồ lưu niệm đã gây chú ý trong một nhóm du lịch Việt Nam của người nước ngoài. Câu chuyện làm dấy lên tranh luận văn hóa "boa" - vốn xuất phát từ Mỹ - ảnh hưởng như thế nào với du lịch tại quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Mike Coyne, người Mỹ, đang cùng vợ du lịch Thái Lan và tới Việt Nam lần đầu trong dịp Tết 2024, nói việc "boa" ở Mỹ không bắt buộc nhưng một số người làm trong ngành dịch vụ như hướng dẫn viên, thợ cắt tóc, lái xe, phục vụ nhà hàng thường kỳ vọng được nhận số tiền này. Đây là những ngành có mức lương thấp nên tiền "boa" sẽ giúp họ cải thiện thu nhập.
Vợ Coyne là người Philippines nên trong 31 năm qua, hai người đã dành nhiều thời gian để du lịch châu Á. Trong những lần đầu tiên đến châu Á, Coyne được chào đón và cảm thấy thoải mái ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều khách du lịch xuất hiện đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của du lịch châu Á. Ví dụ, boa tiền như khi ở Mỹ (10-15% hóa đơn) sẽ làm đảo lộn nền kinh tế địa phương, dẫn đến việc một số hướng dẫn viên có thái độ thiếu chuẩn mực, đòi tiền.
Theo Coyne, nếu hướng dẫn viên du lịch hay những người trong ngành dịch vụ được trả mức lương đủ sống, họ không nên đòi hỏi khách du lịch tiền boa. Tuy nhiên, nếu họ lịch sự và nói với Coyne trước chuyến đi rằng "chúng tôi kiếm phần lớn từ tiền boa, nếu hài lòng, hãy hỗ trợ chúng tôi", ông sẽ sẵn lòng và tin các du khách khác cũng vậy.
"Nhìn chung, khi du lịch, tôi sẽ boa nếu bên cung cấp dịch vụ có thái độ tốt, am hiểu và quan tâm đến trải nghiệm của khách. Tuy nhiên, nếu họ gây áp lực, tôi sẽ boa ít hơn", Coyne nói về cách "boa" của mình khi du lịch nước ngoài.
Kwangpyo Park, du khách Mỹ, vừa kết thúc chuyến du lịch Hà Nội và đã trải nghiệm ngồi đò khám phá Tam Cốc - Bích Động trong 1/2. Park nói hướng dẫn viên gợi ý anh nên "boa" 1-2 USD cho người lái đò. Tuy nhiên, vì thấy người này nhiệt tình và lớn tuổi, anh đã "boa" 200.000 đồng (gần 10 USD). Với Park, thói quen "boa" khuyến khích người cung cấp đem đến dịch vụ tốt. Trong thời gian ở Hà Nội, Park vẫn giữ thói quen này với những người đem lại trải nghiệm tốt. Anh đã "boa" cho nhân viên pha chế 50.000 đồng trên tổng hóa đơn 80.000 đồng khi giới thiệu cho mình món đồ uống vừa ý tại phố cổ.
"Tôi du lịch Việt Nam chưa đủ lâu nên không thấy bị áp lực phải boa cho người làm dịch vụ. Tuy nhiên, nếu dịch vụ tốt, tôi luôn sẵn sàng trả thêm cho họ". Giống như Mike, Park cũng nhấn mạnh sẽ vẫn "boa" trong trường hợp "được gợi ý", nhưng sẽ ít hơn.
Debbie Nestor, người Ireland, có chuyến du lịch Việt Nam hồi năm ngoái với dự tính ban đầu là hai tuần nhưng kéo dài tới 9 tuần vì "quá yêu nơi này". Dù trả phòng muộn, Debbie cũng không bị các khách sạn tính thêm tiền.
"Tôi luôn sẵn lòng trả tiền boa cho những người cung cấp dịch vụ tuyệt vời và luôn mỉm cười ở Việt Nam", cô nói Việt Nam đáng mến hơn dù Ireland là quốc gia nổi tiếng thân thiện.
Trong chuyến đi Sa Pa, du khách Ireland cũng ấn tượng với sự thân thiện và ân cần của nữ hướng dẫn viên tên Hoàng - người đã gọi cho cô trước khi ngủ chỉ để đảm bảo khách đã về phòng an toàn. Vào ngày nghỉ, nữ hướng dẫn viên cũng dành thời gian đưa cô đi chùa và chỉ cho Debie cách người Việt Nam cầu nguyện. Những câu chuyện nhỏ đã để lại ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam trong mắt nữ du khách.
Vì thế, Debbie là một trong những người phản đối việc từ chối mua đồ ủng hộ người lao động trong ngành du lịch địa phương. Theo cô, các món đồ không đắt và những người này chỉ muốn kiếm thêm thu nhập. Debbie đã boa cho hai hướng dẫn viên của mình khi đi Hà Giang khoảng 300.000 đồng mỗi người và 70.000 đồng trong mỗi bữa ăn. Cô nghĩ số tiền này không quá nhiều nhưng chỉ có thể làm vậy vì kinh tế không cho phép.
Tuy nhiên, một số người làm dịch vụ du lịch chuyên nghiệp ở Việt Nam lại không nghĩ như Debbie, đồng thời họ lo ngại việc thiếu đào tạo chuyên nghiệp, thái độ không đúng chuẩn mực như việc "gợi ý" khách tip sẽ để lại hình ảnh không đẹp về du lịch Việt.
Trong 10 năm làm nghề, Vũ Sơn Tùng, hướng dẫn viên chuyên khách nói tiếng Anh của Best Price, cho biết không phải khách nước ngoài nào cũng sẽ "boa", ví dụ khách Nhật Bản, Hàn Quốc hay Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đa số khách châu Âu sẽ "boa" còn khách Mỹ có thể "phóng tay" hơn do đây là văn hóa của họ.
Mức "boa" thông thường với đoàn khách châu Âu từ 10 người trở xuống thường là 5-7 USD mỗi người và thấp hơn nếu đoàn đông. Với khách Mỹ, mức boa thường theo chuẩn như văn hóa của họ, khoảng 10-15% tổng hóa đơn. Theo Tùng, số tiền "boa" này được du khách tự động trả theo cảm nhận cá nhân, không cần anh tư vấn.
"Người làm dịch vụ phải biết khéo léo để khách vui vẻ "boa", không thể ép buộc hay coi đó là lẽ dĩ nhiên", anh nói. Tùng thường hay kể những câu chuyện thú vị và luôn giữ thái độ ân cần với khách. Độ dài chuyến đi cũng là yếu tố quan trọng quyết định số tiền "boa" bởi khi gắn bó lâu hơn, khách mới có đủ thời gian để cảm nhận chân tình của hướng dẫn viên. Nam hướng dẫn viên chia sẻ kể cả khách không "boa", anh cũng vui vẻ vì mức lương vốn đã ổn định.
Alex Sheal, người Anh, sáng lập công ty Vietnam In Focus, cung cấp tour du lịch kết hợp chụp ảnh tại Việt Nam cho người nước ngoài, cũng đồng tình quan điểm này. Sheal nói nhóm khách chủ yếu của công ty thường là khách châu Âu cao cấp nên họ không bao giờ từ chối "boa". Trước chuyến đi, du khách thường hỏi Sheal trước xem nên "boa" bao nhiêu cho hướng dẫn viên và tài xế.
"Chúng tôi sẽ đưa ra một số gợi ý nhưng sẽ thật sai lầm nếu tự đưa ra gợi ý khi khách không hỏi. Do đó, đừng kỳ vọng nhiều, hãy cứ làm tốt nhất", anh nói.
Tú Nguyễn
Tang Mộc