[Vietnam News]
View - Định giá carbon, "thẻ xanh"cho xuất khẩu
2024-02-26 05:03:14
Định giá carbon, "thẻ xanh"cho xuất khẩuKhông chỉ khuyến khích phát triển sạch, huy động các khoản tài chính cần thiết để đổi mới công nghệ, thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp, định giá carbon còn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu.Triển khai tại Việt Nam
Công cụ tài chính mới
Song song với tốc độ phát triển kinh tế, tỷ lệ phát thải khí nhà kính của Việt Nam cũng gia tăng đáng kể. Theo Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia mới nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2016, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn CO2 tương đương. Theo kịch bản phát triển thông thường, dự kiến con số này sẽ tăng lên 928 triệu tấn vào năm 2030, và 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050. So các nước trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 0,35 kg CO2/1USD.
Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế carbon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE), mức thuế này chưa thật sự phản ánh bản chất của định giá carbon, nếu tính trên đơn vị khí nhà kính khi thuế suất cho xăng dầu (32-76 USD/tấn CO2) cao hơn nhiều so than (0,22-0,42 USD/tấn CO2 phát thải).
Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), định giá carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon) được xem là công cụ hữu hiệu và khả thi đối với Việt Nam.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), các cơ chế định giá carbon đang được áp dụng tại 46 quốc gia và 36 vùng lãnh thổ, chiếm 11,83 tỷ tấn CO2 (khoảng 23,11% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu).
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cả hai công cụ: thuế carbon và thị trường carbon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải. Song, vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách chắc chắn hơn và cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải, mà thị trường carbon ngày càng trở nên phổ biến.
TS Trương An Hà - chuyên gia VIETSE nhận định: "Với việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới và trong khu vực, cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, thị trường carbon còn là cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon".
Nguồn lực định hình chiến lược khí hậu
Ngay từ năm 2012, Việt Nam đã tham gia và tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới, thông qua việc ban hành nhiều chính sách có liên quan như: Quyết định 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; Quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới; Luật Bảo vệ môi trường; Nghị quyết 50-NQ/CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trước đó, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Xây dựng và vận hành thị trường này là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính.
Ở quy mô quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đang đề xuất và chuẩn bị thí điểm thực hiện cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, sẽ áp dụng các rào cản kỹ thuật, các quy định liên quan tới giảm phát thải buộc doanh nghiệp của nước xuất khẩu vào các thị trường này phải tuân theo và sẽ đánh thuế carbon trong trường hợp nước xuất khẩu không đáp ứng các quy định. Giai đoạn thí điểm sẽ bắt đầu vào năm 2023 (chưa nộp thuế thực tế) cho các ngành gồm xi-măng, nhôm, phân bón, sản xuất điện, sắt và thép. Từ năm 2026, CBAM sẽ chính thức được áp dụng. Phạm vi các ngành sản xuất phải tuân thủ CBAM sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai nên sẽ đặt ra không ít thách thức cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và quốc tế. Tuy nhiên, việc vận hành thị trường carbon cũng sẽ là một lợi thế để các sản phẩm sản xuất nội địa của Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh tại các thị trường này.
Dựa trên phân tích tình hình hiện tại và những bài học kinh nghiệm quốc tế, để phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị cần thực hiện những giải pháp cơ bản như: xác định rõ ràng cơ chế xử phạt với các đơn vị không tuân thủ hạn ngạch phát thải được cấp; thiết lập hạn ngạch phát thải một cách hài hòa giữa mục tiêu cắt giảm phát thải và phát triển kinh tế; xây dựng bộ hệ số phát thải quốc gia cho từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể, phản ánh đúng hiện trạng phát thải của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần thiết lập hạn ngạch theo hướng thúc đẩy các doanh nghiệp sớm áp dụng công nghệ giảm phát thải; xác định rõ cơ chế sử dụng doanh thu từ thị trường carbon để bảo đảm hiệu quả thúc đẩy công nghệ phát thải thấp, chẳng hạn thành lập các quỹ và thiết lập một cơ chế cụ thể và minh bạch để giảm tác động kinh tế đối với các nhóm dễ bị tổn thương…
Tang Mộc