[Vietnam News]

View - GenZ trong quân ngũ - Bài 1: “Giải mã” chiến sĩ thế hệ GenZ

2024-03-10 23:02:53

GenZ trong quân ngũ - Bài 1: “Giải mã” chiến sĩ thế hệ GenZThế hệ GenZ là những người sinh từ năm 1995 đến 2012 (một số ý kiến cho rằng từ năm 1997 đến 2015), nổi bật với tư duy cởi mở, nhanh nhạy, thích tự do.GenZ,Bài 1: “Giải mã” chiến sĩ thế hệ GenZ,GenZ trong quân ngũ,Thế hệ GenZ,môi trường quân đội,Chiến sĩ mới

Sinh ra trong giai đoạn bùng nổ về công nghệ và thông tin, thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử, internet, mạng xã hội cùng nhiều yếu tố gia đình, xã hội khác đã tác động, ảnh hưởng thế nào đến việc hình thành suy nghĩ, tính cách của GenZ? Điểm mạnh, điểm yếu của chiến sĩ thế hệ GenZ là gì? Hãy cùng chúng tôi "giải mã"...

Điểm trội của GenZ

Khảo sát tại Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) và một số đơn vị thuộc Quân khu 3, chỉ huy các đơn vị trực tiếp quản lý, huấn luyện chiến sĩ đánh giá: So với các thế hệ chiến sĩ trước đây, phần lớn chiến sĩ thế hệ GenZ có lối sống năng động, tự tin, cởi mở và dễ hòa đồng, không ngại giao tiếp, làm quen.

leftcenterrightdel
Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) chúc mừng các chiến sĩ tròn một năm nhập ngũ. Ảnh: TRẦN VŨ 

Họ cũng là những người có cá tính mạnh mẽ, luôn muốn được thể hiện, khẳng định bản thân, không ngại khó khăn mà luôn suy nghĩ sáng tạo, tìm cách giải quyết, khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo cách đơn giản, khoa học, hiệu quả hơn. Do có nhiều điều kiện và thường xuyên được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, điện tử, nguồn thông tin đa dạng nên chiến sĩ có hiểu biết rộng, nhất là kiến thức về công nghệ thông tin. Trình độ, nhận thức của các chiến sĩ thế hệ GenZ cũng cao và đồng đều hơn nên tiếp thu nhanh các nội dung huấn luyện. Nhiều chiến sĩ có tài lẻ như văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, cắt tỉa cây cảnh, cắt tóc, hàn xì, mộc...

Thượng úy Trần Tuấn Vũ, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 vẫn còn ấn tượng với lễ Giáng sinh 2023 do chiến sĩ trong đơn vị chuẩn bị. Theo đó, đơn vị có 4 chiến sĩ là người công giáo nên chỉ huy Đại đội 1 báo cáo, xin phép cấp trên tổ chức Giáng sinh chúc mừng. Được sự nhất trí, Ban chỉ huy Đại đội 1 họp bàn và triển khai thực hiện. Vậy là tranh thủ giờ nghỉ cùng vật dụng, vật liệu “cây nhà lá vườn”, chỉ trong ít ngày, các chiến sĩ đã tự chuẩn bị quà tặng, trang trí, làm cây thông Noel... tạo nên đêm Giáng sinh lung linh với nhiều trò chơi vui nhộn.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ mới thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) hào hứng thu hoạch sản phẩm tăng gia. Ảnh: TUẤN ANH

Thượng úy Trần Tuấn Vũ nhận xét: “Chiến sĩ thế hệ GenZ nắm vấn đề rất nhanh nên tổ chức thực hiện bài bản, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”. Còn theo Trung úy Nguyễn Đức Long, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692: “Chiến sĩ thế hệ GenZ có khả năng sáng tạo cùng tư duy nhạy bén, không thích đi theo lối mòn.

Cùng một nhiệm vụ, nếu thế hệ trước sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành thì thế hệ chiến sĩ hôm nay lại tìm cách thực hiện một cách đơn giản, khoa học và hiệu quả hơn. Hệ thống tưới nước không cần dùng sức người ở đơn vị chúng tôi là một trong nhiều ý tưởng đến từ các chiến sĩ thế hệ GenZ. Các chiến sĩ cũng rất nhiệt tình, năng động, sáng tạo, tạo ra các sản phẩm mang giá trị nghệ thuật cao khi tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục-thể thao, xây dựng và làm đẹp cảnh quan cũng như các phong trào khác trong đơn vị”.

Những điểm trừ

 Tuy nhiên, một bộ phận chiến sĩ thế hệ GenZ quá phụ thuộc vào thành tựu khoa học - công nghệ như internet, thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo dẫn đến ngại giao tiếp xã hội, thậm chí bị lệ thuộc dẫn đến mắc các bệnh như tự kỷ, bệnh tic, luôn tỏ ra mệt mỏi, ủ rũ khi không có thiết bị điện tử trên tay. Một số quá đề cao tự do cá nhân, tôn sùng giá trị vật chất, sống ích kỷ, hẹp hòi, thậm chí sống buông thả, vô kỷ luật; thiếu bản lĩnh, dễ bị lôi kéo, hay đòi hỏi quyền lợi một cách vô lý. Sức khỏe của một bộ phận chiến sĩ thế hệ này cũng hạn chế trước yêu cầu hoạt động quân sự cường độ cao, đòi hỏi thể lực tốt, dẻo dai.

Một vấn đề nữa là thế hệ GenZ sinh ra khi đất nước phát triển, tỷ lệ sinh thấp nên được nuông chiều, bao bọc, vì thế thường thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống, tính tự lập, không quen với công việc nặng nhọc, lao động chân tay. Nhiều đồng chí khi mới nhập ngũ thậm chí còn không biết giặt quần áo, không phân biệt được cái cuốc với cái xẻng, không phân biệt được một số loại rau ăn phổ biến...

Trung tá Vũ Thành Long, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) cho biết: “Từ thực tiễn quản lý, huấn luyện, chúng tôi nhận thấy, các đặc điểm nổi bật của chiến sĩ thế hệ GenZ thường được bộc lộ rõ trong giai đoạn khoảng 1-2 tháng đầu nhập ngũ. Những chiến sĩ đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, từng đi làm thường có tính tự lập cao, dễ thích nghi với cuộc sống quân ngũ và tự giác thực hiện nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ mới thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) chăm sóc cảnh quan đơn vị. Ảnh: TRƯỜNG SƠN 

Ngược lại, một số đồng chí mới học xong trung học phổ thông, tuổi đời 18, 19 thường mất nhiều thời gian hơn để hòa đồng với cuộc sống mới, hay bị dao động tư tưởng trước những tác động từ môi trường bên ngoài”. Còn Trung úy Đào Văn Tình, Trung đội trưởng Trung đội 15, Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 đánh giá: “Nhiều chiến sĩ chỉ biết đến bản thân, có thái độ vô cảm, thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh; cá biệt một số bộ phận còn có biểu hiện thiếu tự giác, chống đối lại mệnh lệnh của cấp trên. Khả năng chịu áp lực của chiến sĩ cũng hạn chế nên dễ nảy sinh tư tưởng, suy nghĩ tiêu cực”.

Binh nhất Phạm Văn Mạnh, sinh năm 2002, chiến sĩ Tiểu đoàn 30, Bộ Tham mưu Quân khu 3 nhớ lại: “Khi còn ở nhà, tôi thường thức đến 1-2 giờ sáng mới đi ngủ. Vào quân ngũ phải ngủ đúng giờ, sáng hôm sau lại báo thức sớm nên thời gian đầu không quen, lúc nào cũng thấy thiếu ngủ và mệt mỏi. Có những hôm đến giờ báo thức, đồng đội nằm cạnh phải sang giường gọi, tôi mới tỉnh giấc. Sau một thời gian được chỉ huy kèm cặp, giúp đỡ, tôi bắt đầu thích nghi và quen với nền nếp sinh hoạt”.

Trung sĩ Vũ Minh Luật, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 9, Trung đội 3, Đại đội 6, Tiểu đoàn đảo Cô Tô (Lữ đoàn 242, Quân khu 3) chia sẻ: “Các chế độ, nền nếp, công việc cứ lặp đi lặp lại khiến lúc đầu tôi thấy nhàm chán, có lúc nghĩ bỏ đơn vị ra ngoài đi chơi để thay đổi không khí. May mà chỉ huy các cấp gặp gỡ, động viên kịp thời nên tôi nhận thức được trách nhiệm của bản thân và không vi phạm kỷ luật”.

(còn nữa)

ĐỨC THỊNH - ĐỨC TUẤN  - NGUYỄN TRƯỜNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan. 

Tang Mộc

Comments (16)