Chúng tôi luôn háo hức được đi chúc Tết vì đây là dịp được nhận lì xì. Ảnh minh họa: Baohungyen |
Chúc Tết họ hàng vào ngày đầu năm âm lịch là một phong tục khá cầu kỳ nhưng cũng độc đáo, giàu ý nghĩa của người làng tôi khi nó nhắc nhở con cháu luôn nhớ về gốc gác, nguồn cội của mình.
Cầu kỳ nằm ở phần chuẩn bị lễ. Tuy không nặng về vật chất, nhưng lễ phải bảo đảm đầy đủ, chu đáo và tùy thuộc vào từng gia đình mà có lễ riêng sao cho phù hợp. Theo đó, những nơi như nhà thờ họ, nhà trưởng chi/nhánh, trưởng các gia đình, được phân công thờ phụng ông bà, tổ tiên thì phần lễ gồm có hộp bánh/cân đường/bánh chưng cùng với thẻ hương, đinh vàng và quả cau, lá trầu. Những nhà còn lại thì chỉ có hộp bánh/cân đường/bánh chưng.
Vì anh em chúng tôi đều công tác xa nhà cận Tết mới trở về, nên mẹ thường là người chuẩn bị hết mọi đồ lễ. Thông thường, khoảng ngày 23 tháng Chạp là mẹ đã sắm sửa tương đối. Những đồ lễ như cau, trầu dễ bị héo thì mẹ thường để giáp Tết mới chuẩn bị.
Tôi còn nhớ, khi còn nhỏ, việc nhớ phần lễ cho từng nơi là việc "khó như lên trời" đối chị em tôi. Dù mẹ đã chu đáo sắp sửa đầy đủ, chia ra từng túi rõ ràng, rồi dặn đi dặn lại mấy lần nhưng lần nào chúng tôi cũng quên, không cái này thì cái khác. Thế nên mới có chuyện, dù chưa chúc Tết hết tất cả các gia đình trong họ nhưng lễ thì đã hết hoặc đã đi hết mọi nơi nhưng lễ vẫn còn hoặc nhầm lẫn phần lễ của nhà này và nhà khác.
Sau mấy lần gặp "tai nạn", chị em tôi đã nghĩ ra một cách để không bị nhầm lẫn là ghi kỹ lời mẹ dặn ra giấy, rồi trước khi vào nhà ai đó chúc Tết, chúng tôi giở tờ giấy ra để soạn lễ. Nhờ thế mà sau này chúng tôi không còn bị nhầm lẫn nữa.
Khoảnh khắc mà chị em tôi mong chờ nhất ngày đó vẫn là sáng Mồng 1 Tết. Sau khi chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, đánh răng, rửa mặt bằng nước lá mùi già, cả nhà quây quần bên nhau cùng ăn bữa cơm đầu năm mới rồi con cháu chúc Tết ông bà, bố mẹ.
Đến khoảng 10 giờ sáng, mẹ tôi bắt đầu sắp sửa lễ để anh em chúng tôi đi Tết họ hàng. Dù là việc mà dịp Tết nào anh em chúng tôi cũng làm nhưng trước khi đi mẹ lúc nào cũng phải dặn dò kỹ càng để bảo đảm rằng chúng tôi không đưa lễ đến "nhầm địa chỉ". Lúc này, từng tốp, từng tốp người cũng bắt đầu đi lễ Tết. Thấy mọi người nói cười rôm rả ngoài đường, chị em tôi ai nấy cũng đều nhấp nhổm, chỉ mong được đi chúc Tết ngay lập tức bởi đây là dịp mà chúng tôi được nhận tiền mừng tuổi.
Thế nhưng, việc nhận lì xì cũng chẳng dễ chút nào. Vì không giỏi khoản ăn nói, lại hay xấu hổ nên chị em tôi mãi không thể thốt ra được lời chúc năm mới, nhất là ở những nơi tập trung đông người như nhà thờ. Chẳng thế mà có những lần chúng tôi đã đến trước cổng nhà nhưng cứ thập thò mãi không dám vào. Rồi mấy chị em bắt đầu đùn đẩy, bàn bạc, phân chia mãi mới lấy được dũng khí bước vào nhà chúc Tết. Sau này, khi đã lớn, đã có "kinh nghiệm" chúc Tết, chúng tôi mạnh dạn hơn, tự tin nói lời chúc năm mới tới mọi người.
Chúng tôi vẫn luôn chỉ cho con cháu mình về phong tục đi chúc họ hàng vào ngày mồng 1 Tết để chúng luôn hướng về nguồn cội. |
Sự đoàn kết là điều tôi cảm nhận rõ nhất trong phong tục chúc Tết đầu năm ở quê tôi. Không giống với nhiều nơi khác, vào ngày mồng 1 Tết, các anh em trai dù đã lập gia đình riêng cũng đều tập trung gia đình mình tại nhà bố mẹ để cùng đi chúc Tết họ hàng, cùng giới thiệu cho con cái mình những người trong họ và chỉ cho chúng về phong tục đẹp đẽ này để giúp chúng luôn nhớ về cội nguồn dù có đi xa đến đâu. Có thể vì thế mà vào ngày Tết, dù bận rộn đến mấy đi chăng nữa, tất cả những người đi làm ăn xa, dù là dâu hay rể của làng, cũng đều cố gắng sắp xếp thời gian để trước, trong hoặc sau Tết trở về quê để đi lễ Tết.
Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC TUẤN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.