[Vietnam News]
View - Kinh tế Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới
2024-02-22 06:02:50
Kinh tế Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mớiĐể quá trình phát triển không bị dừng ở ngưỡng thu nhập trung bình, ngay từ bây giờ Việt Nam cần có định hướng chiến lược, hành động cụ thể để duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh một cách bền vững và trở thành nước có thu nhập cao trong tương lai.kinh tế thị trường, tăng trưởng, phát triển bền vững, quốc gia phát triển có thu nhập cao
Ngày 22/2, tại Hà Nội, Trường đại học Kinh tế quốc dân phối hợp Viện nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề "30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới".
Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho biết: Trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường.
Từ nền kinh tế đóng và thay thế nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất và định hướng xuất khẩu trên thế giới, chuyển từ nền kinh tế thu nhập thấp dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế có thu nhập trung bình.
Tiếp nối thành công, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong vòng 20 năm tới.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và toàn diện hơn, cam kết giảm 30% lượng khí thải metan và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, đồng thời đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, một số xu hướng lớn đang định hình tương lai của Việt Nam. Trong đó, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo mang đến cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững về kinh tế, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và quy trình sản xuất nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức to lớn.
Đó là tình trạng gia tăng thất nghiệp; thách thức về chính trị, xã hội, thể chế; các vấn đề về hạ tầng; rủi ro lớn hơn về an toàn, an ninh thông tin và rủi ro về cạnh tranh và tụt hậu.
Thách thức khác mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng và mức lương đang tăng lên; thương mại toàn cầu đang suy giảm và các doanh nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về môi trường và xã hội.
Suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu đang gia tăng; đại dịch Covid-19, các bất ổn, xung đột chính trị tại nhiều nơi trên thế giới đang đặt ra những thách thức chưa từng có có thể làm suy yếu tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển.
“Theo đánh giá chung của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, tăng trưởng mà Việt Nam có được trong thời gian qua phần lớn là do tác động của tự do hóa đúng thời điểm, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên phong phú, lao động dồi dào...
Liệu Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao, như Hàn Quốc và Đài Loan đã làm được trong thời gian qua hay chúng ta lại bước theo vết xe đổ của một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia sau một thời gian dài vẫn loay hoay chưa thể thoát ra khỏi mức thu nhập trung bình hay rơi vào bẫy thu nhập trung bình là một câu hỏi lớn”, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương nêu vấn đề.
Giai đoạn 2024-2030 là giai đoạn quyết định để đất nước chuyển mình theo tinh thần của Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đây là thời mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế nước ta, đặc biệt là dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Do đó, nhìn nhận, đánh giá các thành quả phát triển trong ba thập kỷ qua cũng như phân tích những thách thức mới, và khả năng ứng phó của Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung nhìn nhận, đánh giá về tình hình, kết quả phát triển của Việt Nam trong 30 năm qua và làm rõ những tồn tại, vấn đề và thách thức đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Phân tích các chính sách phát triển của Việt Nam, so sánh với kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực về xây dựng và thực thi chính sách phát triển từ đó đúc rút một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Từ đó gợi mở, đề xuất một số chính sách cho Chính phủ, các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm ứng phó với thách thức mới.
Tang Mộc