[Vietnam News]

View - Top 10 địa phương có điểm đổi mới sáng tạo 2023 cao nhất - VnExpress

2024-03-12 13:01:03

Top 10 địa phương có điểm đổi mới sáng tạo 2023 cao nhất - VnExpressCác tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương đều có điểm vượt trội về sáng chế, số lượng doanh nghiệp cùng các tác động kinh tế xã hội.PII, top 10 địa phương, địa phương, chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương, chỉ số PII, đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tin nóng

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (viết tắt là PII - 'Provincial Innovation Index') được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, công bố chiều 12/3.

Trong 10 địa phương dẫn đầu có 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội (xếp hạng 1), TP HCM (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Đà Nẵng (hạng 4), Cần Thơ (hạng 5) và 5 địa phương có công nghiệp phát triển nhất là Bắc Ninh (hạng 6), Bà Rịa- Vũng Tàu (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Quảng Ninh (hạng 9) và Nguyên (hạng 10).

Từ trái qua: Thứ trưởng Hoàng Minh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn nút công bố kết quả PII chiều 12/3 tại Hà Nội. Ảnh:Tùng Đinh

Từ trái qua: Thứ trưởng Hoàng Minh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn nút công bố kết quả PII chiều 12/3 tại Hà Nội. Ảnh:Tùng Đinh

Hà Nội

Bộ chỉ số PII được thiết kế với hai nhóm Đầu vào đổi mới sáng tạo (gồm 5 trụ cột) và Đầu ra đổi mới sáng tạo (gồm 2 trụ cột). Theo kết quả tính toán PII năm 2023, Hà Nội có điểm số cao nhất, đạt 62.86 điểm, xếp hạng 1.

Gian hàng robot tại sự kiện đổi mới sáng tạo tháng 10/2023 tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Gian hàng robot tại sự kiện đổi mới sáng tạo tháng 10/2023 tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Hà Nội đứng đầu ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần. Trong số này có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế xã hội như chỉ số phát triển con người.

Hà Nội có các điểm mạnh vượt trội đều đạt 100 điểm, như số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên, tín dụng cho khu vực tư nhân hay đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích.

TP HCM

TP HCM đạt 55.85 điểm xếp hạng 2, là địa phương dẫn đầu 12/52 chỉ số thành phần. Trong đó gồm các chỉ số như chính sách hỗ trợ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và một số sản phẩm về tài sản trí tuệ, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích.

TP HCM cũng có các điểm mạnh vượt trội đều đạt 100 điểm về hạ tầng số, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, số doanh nghiệp mới thành lập và mật độ doanh nghiệp cùng đóng góp GDP cả nước. Tuy nhiên một số chỉ số được chỉ ra là điểm yếu bao gồm chính sách, quản trị môi trường, đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể và tính năng động của chính quyền địa phương.

Một góc Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 10/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Một góc Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 10/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Hải Phòng

Hải Phòng xếp thứ ba cả nước và là địa phương xếp thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng, với điểm số 52.32. Địa phương này xếp hạng thể chế đứng thứ hai cả nước, trong đó dẫn đầu về chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Hải Phòng còn có điểm mạnh về tỷ lệ học sinh trung học tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, cải cách hành chính và các chỉ số phát triển con người.

Đà Nẵng

Đà Nẵng đứng thứ 4 với điểm số 50.70, dẫn đầu 5/52 chỉ số thành phần. Trong đó có các chỉ số như chi cho khoa học công nghệ, số tổ chức khoa học công nghệ, tín dụng khu vực tư nhân, mật độ doanh nghiệp, số doanh nghiệp mới thành lập.

Bên cạnh các chỉ số dẫn đầu, Đà Nẵng được đánh giá có nhiều điểm mạnh về hạ tầng số và quản trị điện tử, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo cũng ở mức cao. Tuy nhiên, địa phương này vẫn còn một số điểm yếu về tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ lệ HSTH tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học cùng tỷ lệ doanh nghiệp có chứng chỉ ISO.

Một góc đô thị hiện hữu hai bên sông Hàn tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Một góc đô thị hiện hữu hai bên sông Hàn tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Cần Thơ

Cần Thơ xếp thứ 5, điểm số 49.66, có xếp hạng đầu ra đổi mới sáng tạo đứng thứ hai, sau Hà Nội. Địa phương này nổi trội về sản phẩm tri thức, sáng tạo công nghệ với đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích cùng giống cây trồng.

Mặc dù có một số điểm yếu về giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp cùng vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của doanh nghiệp, Cần Thơ vẫn được đánh giá mạnh về nhân lực nghiên cứu và phát triển, cùng chỉ số sản xuất công nghiệp, số sản phẩm OCOP4 sao cao.

Bắc Ninh

Xếp hạng 6 với điểm số 49.20, Bắc Ninh được đánh giá là địa phương có công nghiệp phát triển nhất. Địa phương này được đánh giá điểm mạnh về vốn con người và nghiên cứu phát triển trong đó có giáo dục và chi cho giáo dục đào tạo bình quân.

Bắc Ninh cũng có các điểm số cao trong tác động đến sản xuất kinh doanh như giá trị xuất khẩu/GRDP, tỷ lệ dự án đầu tư đang hoạt động trong các khu công nghiệp cùng đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Dù vậy, địa phương này vẫn có hạn chế trong mặt thể chế trong môi trường kinh doanh như tính năng động của chính quyền địa phương, cải cách hành chính hay chỉ số sản xuất công nghiệp và số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn.

Một góc khu công nghiệp Vsip, một trong số các khu công nghiệp hiện đại bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Gia Chính

Một góc khu công nghiệp Vsip, một trong số các khu công nghiệp hiện đại bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Gia Chính

Bà Rịa - Vũng Tàu

Là địa phương xếp thứ 7, điểm số 49.18, Bà Rịa-Vũng Tàu dẫn đầu về chỉ số phát triển con người và nổi trội về nhiều khía cạnh như số chỉ dẫn địa lý được cấp chứng nhận bảo hộ, vốn sản xuất kinh doanh bình quân của doanh nghiệp cùng hạ tầng số.

Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có những ưu điểm trong các xếp hạng về môi trường kinh doanh, chi cho giáo dục và đào tạo bình quân cùng vốn sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên địa phương bộc lộ một số điểm yếu ở chi cho nghiên cứu phát triển R&D/GRDP, lượng đăng ký nhãn hiệu còn thấp cùng chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ chưa chú trọng.

Bình Dương

Xếp hạng 8 trong bảng PII, điểm số 48.64 song Bình Dương lại là địa phương đứng thứ ba về số lượng các chỉ số dẫn đầu, với 7/52 chỉ số thành phần. Các chỉ số thành phần dẫn đầu gồm tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, số lượng doanh nghiệp mới thành lập, tỷ lệ người trên 15 tuổi có việc làm, thu nhập bình quân đầu người.

Bình Dương được đánh giá mạnh về cơ sở hạ tầng cùng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, địa phương còn tồn tại một số điểm yếu về chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, tốc độ năng suất lao động cùng tài chính vi mô.

Quảng Ninh

Xếp thứ 9 với điểm số 48.03, Quảng Ninh nổi trội mạnh mẽ về các chỉ số thể chế môi trường kinh doanh như cải cách hành chính, cùng cơ sở hạ tầng, quản trị điện tử. Địa phương này cũng điểm nhấn trong các chỉ số về tính năng động của chính quyền địa phương, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo, tốc độ tăng năng suất lao động cùng đóng góp trong GDP cả nước.

Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế trong đăng ký giống cây trồng, chỉ số sản xuất công nghiệp cùng số doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp đủ điều kiện là doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Quảng Ninh với trung tâm là TP Hạ Long, được ví là Việt Nam thu nhỏ với sự đa dạng về hình thái địa lý, kinh tế và xã hội. Ảnh: Lê Tân

Quảng Ninh với trung tâm là TP Hạ Long, được ví là "Việt Nam thu nhỏ" với sự đa dạng về hình thái địa lý, kinh tế và xã hội. Ảnh: Lê Tân

Thái Nguyên

Là địa phương xếp thứ 10, điểm số 47.75, Thái Nguyên xếp hạng cao ở nhiều chỉ số với điểm tuyệt đối 100 như vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp, trình độ phát triển doanh nghiệp với đầu tư trực tiếp của nước ngoài và giá trị xuất khẩu. Một số khía cạnh được đánh giá mạnh như tỷ lệ chi đào tạo lao động trong tổng chi của doanh nghiệp, nhân lực nghiên cứu và phát triển (toàn thời gian). PII cũng chỉ ra một số điểm yếu của tính như số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng quản trị môi trường và tài chính vi mô.

Lễ công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương có sự đồng hành của Công ty Cổ phần VinBigdata.

Như Quỳnh

Tang Mộc

Comments (0)