[Ẩm thực]

View - Cỗ tất niên quan trọng nhất trong năm vì những lý do đặc biệt này trong lòng người con Hà Nội xa xứ

2024-07-15 08:34:59

Cỗ tất niên quan trọng nhất trong năm vì những lý do đặc biệt này trong lòng người con Hà Nội xa xứGiadinhNet - Cỗ tất niên quan trọng nhất trong năm vì có những lý do đặc biệt này, và để làm cỗ mẹ tôi phải lo nồi măng trước. Bà ngâm măng khô với nước gạo trước cả tuần, luộc đi luộc lại cho cái măng trắng ra. Thịt chân giò cũng mua trước 2 ngày để "ăn chân sau, cho nhau chân trước"... - đó là tâm sự của một người con Hà Nội xa xứ.Tất niên, cỗ tất niên, cơm tất niên, bữa cơm tất niên, cơm chiều 30 tết, nấu cỗ tất niên, thuê nấu cỗ tất niên

Nói đến Tết người ta không chỉ nói đến thăm hỏi hay chúc tụng, vấn đề ăn uống cũng rất quan trọng nhất là những bữa cỗ ngày Tết. Và cỗ ngày Tết có bữa cỗ tất niên vào ngày 30 Tết, mâm cơm cúng giao thừa vào lúc 12 giờ đêm và bữa cơm sáng mùng Một Tết, cuối cùng là bữa cỗ hoá vàng.

Bữa cỗ quan trọng nhất trong năm đó là cỗ tất niên - có nghĩa là bữa cỗ cuối cùng của một năm - khi mà tất cả mọi người trong gia đình, ông bà cha mẹ anh chị em con cháu trở về sum họp và đoàn viên.

Bữa cỗ tất niên ngày trước vui lắm, con cháu từ khắp mọi ngả tề tụ về với gia đình, ông bà và cha mẹ. Vui nhất là khi những người con đã lớn có gia đình riêng lúc trở về đem theo cả con cái về khiến cha mẹ, ông bà mới thực sự vui sướng và hạnh phúc khi nhìn thấy chúng để hỏi han cũng như được bế cháu.

CỖ TẤT NIÊN ! - Ảnh 1.

Cỗ tất niên là bữa cỗ quan trọng nhất năm. Ảnh minh họa.

Lại nói về chuyện cỗ tất niên, thực ra nó cũng chỉ là một bữa cơm bình thường như những bữa giỗ chạp khác trong năm của mỗi gia đình. Nhưng bữa cỗ tất niên có một cái gì khác - đó là bữa cơm được tất cả mọi người con cháu dâu rể... cùng chung tay chuẩn bị và cùng nhau nấu nướng mỗi người một món, đảm nhiệm một khâu từ thịt gà, thịt lợn, cuốn nem, rau nộm, măng bóng cho đến hạnh nhân, xôi, chè và còn nhiều thứ khác nữa ... rất vui và nhộn nhịp.

Tôi nhớ ngày trước mẹ tôi hay nấu một nồi măng trước. Bà phải chuẩn bị ngâm măng - loại măng lưỡi lợn mua của người quen trên chợ Đồng Xuân - trước đó cả tuần lễ bà đã ngâm nước gạo nhiều ngày rồi luộc đi luộc lại mấy nước đến khi nào cái măng nó trắng ra không còn mùi bồ hóng nữa thì mới thôi. Còn thịt bà cũng phải mua từ hai hôm trước, lựa những cái chân giò sau, ngắn và tròn, thật ngon đúng như các cụ nói: "Ăn chân sau, cho nhau chân trước". Bà tự tay lựa mua những dẻ sườn nạc thịt ở ngoài chợ về để nấu, bảo có thế cái nước măng nó mới trong và ngọt.

Bà hì hụi từ tối hôm trước nấu và ninh thật kỹ để làm sao đến đúng trưa 30 Tết có được bát canh măng thật ngon để thắp hương. Bà bảo: "Cái giống măng khô là phải ngâm rửa thật kỹ và khi nấu cứ phải ninh vài ba lửa ăn nó mới thơm và đậm cái mùi măng lưỡi lợn".

Tôi còn nhớ ngày đó, vì là cháu đích tôn nên ông nội tôi hay bảo tôi lên phụ ông để dọn ban thờ. Tiện thể ông cũng chỉ cho tôi cách thức thế nào khi dọn dẹp và bày biện một cái ban thờ vào ngày Tết để sau này còn biết cách mà thờ cúng tổ tiên (ông tôi không ngờ thằng cháu đích tôn lớn lên "chạy" thẳng một mạch mấy chục năm chẳng thấy tăm hơi đâu).

Chưa hết, ông còn dẫn thằng cháu đích tôn xuống gầm cầu thang để lấy bộ bát đĩa lên cho các bà còn bày cỗ và rửa bộ bát đũa chuyên để thắp hương... Ôi chao, toàn là bát đĩa cô tiên, bát con gà, bát chiết yêu Giang Tây của Trung Quốc, đẹp ơi là đẹp.

CỖ TẤT NIÊN ! - Ảnh 3.

Cỗ tất niên chỉ là một bữa cơm bình thường, nhưng có khác là được tất cả mọi người chung tay chuẩn bị và nấu nướng. Ảnh minh họa.

Ngày làm cỗ Tất niên mọi người ai cũng nhiệt tình, mỗi người một người một việc. Mọi người bắt tay vào chuẩn bị và nấu suốt từ sáng sớm. Cuối cùng thì các món ăn cũng được nấu nướng xong xuôi, được múc ra rồi bày lên cái mâm đồng đã được cọ sáng bóng từ hôm trước để mang lên ban thờ thắp hương.

Gọi là một mâm cỗ chứ phải bê mấy lần lên mới xong, người khỏe một lần không thể bê hết được... Thôi thì đủ cả, nhìn mâm cỗ với tất cả các món, bốn bát sáu đĩa thật là đẹp và hấp dẫn, chắc thế mà người ta có câu:

“Đói quanh năm no ba ngày Tết”

Nhìn mâm cỗ chưa thắp hương mà thú thực tôi cứ nuốt nước bọt ừng ực, này nhé: Đĩa thịt gà được bày rất khéo, mẹ tôi xếp thế nào mà những miếng thịt với da gà vàng óng tất cả đều ở phía trên (thì ra bà toàn xếp ngược vào một cái đĩa sâu lòng xong rồi úp ngược lại vào một cái đĩa khác), điểm thêm một chút lá chanh tươi thái sợi thật mỏng thơm nức.

Bên cạnh đó là bát nước mắm thơm mùi cà cuống và đĩa muối tiêu với chanh ớt... Đĩa giò lụa trắng hơi phớt màu hồng của thịt, đĩa chả quế thái miếng xếp hình lục lăng rất đẹp và đĩa nem rán ròn vàng ruộm, nóng hổi và thơm lừng...

Rồi thì nộm đu đủ với cà rốt thái sợi được vắt khô, trộn rất khéo và vừa vặn, rắc thêm một chút lạc giã rối lên trên, điểm thêm mấy cọng rau thơm láng và đó chính là cái món khoái khẩu nhất của cánh đàn ông khi uống rượu...

Nhắc đến nộm mà không kể đến cái món hạnh nhân thì quả là một thiếu sót; su hào, cà rốt thái hạt lựu xào với thịt nạc thăn và mề gà, cuối cùng là một chút lạc rang bóc vỏ để nguyên hạt vừa thơm vừa bùi... Các ông uống rượu là nghiện cái món này lắm, mẹ tôi cứ phải xào ra tay ra thêm một đĩa để phòng nhỡ có hỏi...

Tiếp đến là bát măng lưỡi lợn với những miếng thịt chân giò nhừ tơi được bày rất cẩn thận bên cạnh cái mộc nhĩ đen nhánh cùng với mấy sợi miến dong màu nâu và vài củ hành chần.

Bát bóng cũng vậy, năm nào mẹ tôi cũng chọn bóng thật kỹ nhé, rồi ngâm sạch sau đó phải bóp với gừng và rượu trắng để tẩy sạch mùi hôi, bát chân tẩy phải được gọt hoa văn rất đẹp xào qua với nước dùng gà - mẹ tôi dặn chỉ nước dùng gà, tuyệt đối không cho mỡ rồi múc ra cái bát con gà trên bày một hai miếng bóng thái hình quả trám và miếng thịt thăn nõn thái mỏng trắng ngần, miếng hoa lơ và cái nấm hương màu nâu cạnh con tôm he với 2-3 quả đậu Hà Lan, điểm thêm mấy cọng rau thơm xanh ngắt...

Nồi nước dùng gà trong vắt, ngọt lịm được đun sôi già để chan vào. Me tôi dặn lúc nào ăn hãy chan nước dùng. Cả bát canh măng và miến cũng thế thì lúc ăn vừa nóng lại không bị nồng...

Đĩa thịt đông trong vắt và mát lạnh, nhìn rõ cả từng miếng thịt bên trong được bày bên cạnh đĩa hành muối trắng phau cùng bát dưa góp đã ngấm để ăn cho đỡ ngấy.

Cỗ tất niên quan trọng nhất trong năm vì những lý do đặc biệt này trong lòng người con Hà Nội xa xứ - Ảnh 5.

Cỗ tất niên cả nhà sum vầy, ấm áp. Ảnh minh họa.

Có năm mẹ tôi còn làm thêm món thịt bò kho khô, những miếng thịt bò tươi được bó bằng lạt buộc chặt với gừng kho thật kỹ và nhỏ lửa với nước mắm ngon, hạt tiêu sọ được thái lát bày ra đĩa thơm phức mùi gừng tươi quện với mùi thịt bò. Cái này mà ăn với bánh chưng thì cứ gọi là tuyệt cú mèo...

Năm nào không có thì mẹ tôi thường bổ sung thêm món cá trắm kho tàu với riềng và lá chè tươi cùng với nước hàng chưng bằng mật mía.

Sau cùng là bát miến được nấu với những bộ lòng gà và mộc nhĩ, trên rắc hành mùi tươi, nhưng không chan nước vội vì khi ăn sẽ nguội và bị trương...

Đĩa xôi gấc được trộn với mỡ gà và chút đường kính từ lúc mới chín, khi xôi còn ở trong chõ đồ khói bốc lên nghi ngút. Mẹ tôi đơm xôi rất khéo và bà cũng đơm vào một cái bát rồi úp ngược lại vào đĩa và không quên để một cái hạt gấc lên trên đĩa xôi để trang trí. Đĩa xôi gấc đỏ lựng đã tô điểm thêm cho mâm cỗ tất niên thêm màu sắc và sinh động hơn.

Món cuối cùng là món bánh chưng. Bánh được luộc chín tới và được bóc rất khéo, cắt miếng cũng bằng chính những cái lạt buộc của bánh - một cách bóc và cắt bánh đặc trưng của người Hà Nội. Cái bánh chưng xanh rờn thơm phức mùi đỗ xanh, thịt lợn và hạt tiêu sọ được trịnh trọng bày lên ban thờ...

Cuối cùng là 2 món tráng miệng, đĩa chè kho vàng ruộm màu đỗ xanh và đĩa chè con ong nâu sẫm thơm mùi gừng được rắc thêm chút hạt vừng đã rang thơm, vừa đẹp lại vừa ngon. Hai món tưởng là đơn giản, nhưng để nấu được ngon và đúng kiểu được như của người Hà Nội đòi hỏi phải có kinh nghiệm và biết cách.

CỖ TẤT NIÊN ! - Ảnh 1.

Mâm cỗ tất niên của người Hà Nội. Ảnh minh hnoaj.

Sau khi đã hoàn chỉnh mâm cỗ đó được bày biện cẩn thận lên ban thờ. Tất cả mọi người trong gia đình ăn mặc sạch sẽ chỉnh tề cùng với ông tôi đứng ra trước ban thờ để thắp hương, thành kính khấn lễ và cảm ơn tổ tiên...

Đợi cho hết tuần hương mọi người lại ra lễ lần nữa và thắp tuần hương mới, lúc đó ông tôi mới cho phép mọi người được hạ lễ để con cháu hưởng lộc, liên hoan bữa cỗ tất niên... Đó là bữa cơm tất niên của gia đình tôi, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác đó, cái không khí đó, cái đầm ấm đó của một ngày cuối năm, trong sự hân hoan hạnh phúc và đoàn tụ của gia đình, của ông bà, cha mẹ và anh em.

Bữa cỗ tất niên có một ý nghĩa rất lớn cả về tâm linh cũng như phong tục và truyền thống gia đình. Bởi vì người ta vui là được cùng nhau tự tay nấu những món ăn riêng đặc trưng truyền thống của gia đình mình để thắp hương thờ cúng tổ tiên và tỏ lòng biết ơn, người ta vui vì lúc đó được hoà quyện cái tình cảm gia đình cha mẹ anh em.

Cái vui nhất là được cùng nhau nấu ăn, cùng nhau chia sẻ những nỗi buồn vui của cả năm để hiểu nhau hơn, thương nhau hơn, bỏ qua cho nhau những thiếu sót khiếm khuyết trong năm... và để rồi sau Tết lại tỏa đi khắp bốn phương trời mưu sinh, xây dựng cuộc đời. Cái ngày đó gọi là tất niên, còn bữa cơm đó thường người ta gọi là cỗ tất niên.

Tiếc rằng bây giờ thời buổi hiện đại cái truyền thống đó ngày càng bị mai một, người ta không còn tự tay nấu những bữa cỗ đó nữa. Cái hương vị của những món ăn trong mâm cỗ cũng dần mất đi, hay bị thay đổi biến tấu sao cho phù hợp vì hầu hết người ta toàn đặt cỗ, hoặc thuê nấu... cho nên cái đầm ấm của không khí gia đình, cái hương vị đặc trưng của từng gia đình cũng không còn nữa.

Âu cũng do hoàn cảnh thời thế, nhưng nhiều khi nghĩ lại tôi vẫn thấy thèm cái không khí đó, cái hương vị đó... Theo tôi cái đó mới thực sự là hương vị của Tết.

Đó là tất cả những gì tôi còn nhớ được cho đến nay sau hơn 30 năm xa nhà. Bữa cỗ tất niên - một bữa cơm ý nghĩa nhất trong năm. Thế hệ chúng tôi Tết là thế đấy, ấm áp tình cảm gia đình, thể hiện ý nghĩa tâm linh, tình cảm gia đình và sự sum họp, đoàn viên.



Comments (0)