[Vietnam News]
View - Nhiều người háo hức check-in cây gạo bên bờ sông Thương
2024-03-08 02:04:20
Nhiều người háo hức check-in cây gạo bên bờ sông ThươngNhững ngày gần đây, nhiều người tìm đến di tích Miếu Bà Cô ở xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) để check-in cùng cây gạo.cây gạo, cây gạo Lãng Sơn, khu vực cây gạo
Lý do là những ngày gần đây, thời tiết ở miền Bắc ấm hơn, tại Bắc Giang có nhiều ngày tạnh ráo, đi lại thuận lợi. Điều quan trọng hơn là đang tháng 3 mùa hoa gạo nở, nhiều làng quê ở Bắc bộ đỏ rực một khoảng trời hoa gạo… Tuy nhiên, cây gạo ở sát Miếu Bà Cô thu hút nhiều cô gái hơn vì nằm triền đê, mang phong cảnh đặc trưng của đồng quê Bắc bộ.
Di tích Miếu Bà Cô nằm cách TP Bắc Giang 15km về phía Đông Nam, cách Hà Nội 80km về phía Đông Bắc.
Xếp hàng chờ nhau chụp hình. Ảnh: KUN MON
Ảnh: PHẠM BÍCH
Xe cộ của khách du lịch đậu kín triền đê sông Thương.
Năm 2021, cây gạo này đã được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam có quyết định công nhận là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử-văn hóa”. Cây gạo Miếu Bà Cô còn được gọi là cây gạo Lãng Sơn, đã tồn tại hơn 100 năm, mọc ở ven đê bối, bên bờ sông Thương, thuộc địa phận thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn (huyện Yên Dũng).
Sông Thương là một trong những dòng sông đẹp và nổi tiếng ở miền Bắc nước ta, đã đi vào nhiều tác phẩm thơ ca, nhạc họa, điện ảnh...
Miếu Bà Cô nằm ngay sát gốc cây gạo, tạo nên quần thể nên thơ. Tương truyền, Bà Cô được thờ trong miếu là tướng lĩnh của anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Trong một lần đưa quân xuống bảo vệ Phủ Lạng Thương, bà bị giặc truy đuổi, bao vây. Không chấp nhận bị địch bắt, bà trẫm mình xuống sông Thương. Thi thể trôi dạt vào khu vực cây gạo hiện nay và được nhân dân địa phương chôn cất.
Theo biên bản thẩm định để lập hồ sơ của Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang, cây gạo cao 27,5m với diện tích phủ tán 120m2, đường kính thân cây 2,4m. Nhiều chuyên gia văn hóa và người dân đề nghị chính quyền tỉnh Bắc Giang hoặc huyện Yên Dũng có chính sách bảo tồn nguyên trạng vẻ đẹp kiến trúc cũng như không gian, bối cảnh thơ mộng, đồng nhất cho khu di tích này, tránh bê tông hóa, hiện đại hóa như nhiều nơi đang mắc phải.
Tang Mộc