[Binh Thư Yếu Lược]

[Quyển 4] Thiên VI - THẮNG VÀ ĐẶT PHỤC

2023-02-27 00:48:27

Một khi đã thắng phải giới nghiêm quân ta. Đã được toàn thắng, đuổi giặc chẳng qua là dư uy thôi

Thiên VI - THẮNG VÀ ĐẶT PHỤC

Phàm theo chạy mà nghỉ, gặp quân địch đỗ ở đường thì bắt ngay. 

Giặc đánh đã mệt, có thể đuổi được có năm trường hợp, không thể đuổi dược có sáu trường hợp. Thấy khí của giặc đã kém, có thể đuổi, đó là một, Quân bộ kỵ tán loạn, nhiều người chạy xiêu ngã không thành bộ ngũ, đó là hai. Chạy tới làng xóm, chạy vào thành quách, đó là ba. Xe chở lương và đồ binh giáp tan tác mà không thu được, đó là bốn. Chủ tướng đã chết, đó là năm. Khe ngòi cũ mà nước bỗng cạn hết, đó là một trường hợp không nên đuổi. Đã quá tầm nhìn thấu, đó là hai. Thua trận trốn chạy mà hàng ngũ không rối loạn lắm, cờ xí không lộn xộn lắm, đó là ba. Quan và quân chạy rảo không xiêu ngã lắm, quân bộ quân kỵ không lẫn lộn, đó là bốn. Giặc chạy mất đường, tả hữu là núi hang, ở trước cũng như thế, đó là năm. Đương cùng lương hết mà quan và quân chưa tan hẳn, đó là sáu. Thế cho nên gặp trường hợp nên đuổi thì đuổi gấp, không nên đuổi thì đóng chặt cửa thành mà xem, hẳn có biến đổi lợi hại. Chờ họ cất quân, hễ lợi thì ta tiến mà hại thì ta lui. Binh pháp nói ‚Chim bay lên là có quân phục, cây cối động là có quân đến‛, như thế cũng chưa chắc là có quân phục quân đến, sợ là họ làm nghi binh vậy. Có thể là quân giặc đã chạy trốn mà sai những người già yếu rung động cây cối và làm sợ chim muông. Lại nói ‚Không ước mà xin hòa là có mưu, nửa tiến nửa lùi là dụ‛, đó cũng có thể là đại binh đã lẩn trốn , sợ người sau theo đến mà làm cho ta ngờ vậy.

Một khi đã thắng phải giới nghiêm quân ta. Đã được toàn thắng, đuổi giặc chẳng qua là dư uy thôi. Nếu trong khi đuổi riết, giặc phút dừng lại không động, ví như không phải có quân tiếp ứng thì tức là đằng trước có hiểm trở, không thể trốn gấp được. Quân ta nếu nhân lúc đó mà đánh, thì quân ta là quân mỏi mệt, mà quân giặc là quân có sinh lực, ta lấy lòng thắng trận mà kiêu, giặc lấy lòng cứu chết rửa hờn, nếu ta thắng nữa thì chẳng qua là cuộc đuổi giặc chạy thêm, bằng thua thì công lao trước bỏ hết cả. Như thế há chẳng phạm vào điều kỵ đuổi giặc cùng đường, trước chết sau sông ư? Chỉ nên cứ đuổi theo sau, khiến cho giặc giày đạp lẫn nhau, thu lấy xe lương và quân hàng. Như giặc dừng lại không động, thì ta thu quân ngay, hoặc là tức thì hạ dinh, ngày thì dựng nhiều cờ xí, đêm thì đánh trống đốt lửa, bắn súng cho nhiều, hiệu lệnh nghiêm minh, người ngựa rầm rộ, chiêng trống đêm canh, hai bên giăng dầy quân phục, bốn mặt ngầm đặt các tay bắn giỏi. Giới nghiêm hiệu lệnh so với khi chưa thắng địch lại càng nghiêm khẩn hơn, một là để phòng trộm cướp, hai là để răn lòng khinh nhờn. Lại viết hịch chiêu phủ ban vào dinh giặc, hoặc sai những kẻ sĩ có tài biện luận lấy lợi hại mà biểu dụ, tỏ lòng thành tín. Giặc lấy sự sống thừa rũ đầu mất khí, thấy uy thế đường đường chính chính của ta thì sợ lòng hoa mắt, thịnh suy thấy rõ, một đêm nghĩ ngợi, chí đã nản rồi, kịp nghe hịch chiêu phủ, không dám không hàng. Thế gọi là được vạn toàn mà tất thành công vậy.

 

Đông Hoàng

Comments (2)