[Binh Thư Yếu Lược]
[Quyển 3] Thiên IV - DÃ CHIẾN
2023-02-25 02:24:28
Phàm đánh nhiều quân thì lợi ở đồng bằng. Khi thì có thể vây, đánh cả quân viện, cắt đứt đường lương, phục binh mà đánh, hễ quân có lợi thì thôi.
Thiên IV - DÃ CHIẾN
Sách Kinh thế:
Khi hai quân gặp nhau ở trên cánh đồng bằng, giặc chia mấy đường mà lại, quân ta cũng chia mấy đường mà ứng, chỉ cần lên một nơi gò cao, thế giặc thế nào, có thể thấy cả được. Đất bằng chia quân cũng dễ ra sức. Tức như nếu trước sau có giặc, quân ta cũng theo đó mà chia ra, quân trước thì chống ở trước, quân sau thì chống ở sau, chỉ huy thư thả, không nên vội vàng thất thố mà chuyển quân trước chống ở đàng sau.
Sách Yên thủy thần kinh:
Phép đánh nhiều quân. Phàm đánh nhiều quân thì lợi ở đồng bằng. Khi thì có thể vây, đánh cả quân viện, cắt đứt đường lương, phục binh mà đánh, hễ quân có lợi thì thôi.
Phép đánh ít quân. Phàm đánh ít quân thì gọi là quả, lợi ở chỗ hiểm ách, hoặc nhân lúc rối ren, hàng ngũ chưa chỉnh, dinh trại chưa yên, đương ăn chưa xong, ít quân càng phải quấy rối.
Phép đánh bằng voi. Phàm đánh bằng voi thì lợi ở đồng bằng. Nếu voi địch đến đánh, thì lợi ở dùng tre gai và chông; dùng hỏa công, hỏa tiễn mà đánh, hay nhử vào nơi bùn lầy mà đánh.
Phép đánh bằng ngựa. Phàm đánh bằng ngựa thì lợi ở đất thập thắng, kiêng ở đất cửu bại (Đất thập thắng : Mười thế đất đánh thắng, (Đừng lộn với ‚thập thắng’’ ở trên). Quân ngựa của địch đánh ta ở đồng bằng, thì dùng chông, hầm hố, dây thừng; nếu như gặp ta ở nơi bùn lầy, thì họ phải bỏ ngựa mà đánh.
Phép đánh ở bãi cát. Nếu đánh ở bãi cát dài thì khi quân địch đến đánh, ta dồn cát thành đống mà mai phục, đợi địch đến dược nửa trên nửa dưới thì đánh hẳn thắng.
Khi địch nhiều quân, thì ta nên lánh nơi bằng phẳng, đón ở nơi chật hẹp, khua trống mà dậy, địch dầu quân đông, không thể không rối ren. Vì lấy ít đánh nhiều không gì hay bằng ở nơi hiểm trở, cho nên nói dùng quân ít cần phải ở đất hẹp; hoặc chia làm quân kỷ quân phục, hoặc tan làm nghi binh, quấy rối cho nhiều, thế thì địch không biết giữ thế nào.
Binh pháp nói: Dùng quân ít càng phải quấy rối.
Sách Võ Kinh:
Hỏi: Có quân rất nhiều, đã giỏi lại mạnh, dựa chỗ hiểm của núi sông, hào sâu luỹ cao để giữ, mà lưong hết quân một, khó điều giữ lâu thì làm cách nào? Trả lời: Thế thì dùng mưu của chủ tướng, không phải là sức của quân xa kỵ. Nếu gặp thì nên chia làm năm quân, để ở năm con đường. Địch ắt phải ngờ, không biết đánh quân nào. Đánh thắng thì tiến, không thắng thì chạy mau, dẫn nó đến chỗ mai phục, một quân đóng ở trước, một quân đóng ở sau, hai quân ngậm tăm, hoặc ở bên tả hoặc ở bên hữu mà đánh úp vào đấy. Năm quân giao tới, ắt là có lợi. Đó là phép đánh quân mạnh vậy.
Hỏi: Địch lại bắt ta, ta muốn chạy không có đường, quân sĩ đều sợ, thì làm cách nào? Trả lời: Phải làm thế này: Nếu quân ta nhiều mà quân địch ít, thì ta chia quân ra làm kỳ và chính, căn dặn phải mềm mỏng; quân địch nhiều quân ta ít thì nên dùng cách phương Tuyền (Phương tuyền: Nghĩa đen phương là vuông, tuyền là xoay tròn, không rõ cụ thể là phép thế nào) mà không phải nghĩ ngợi gì nữa, vì cách phương tuyền, hoặc nói rõ ra để cho yên lòng, hoặc nói dối để cho vững chí, tuy quân rất sợ mà có thể đánh được. Đó là phép địch bắt ta, ta ứng lại vậy.
Như quân ta đi ở bãi cát dài, không có đồn sở, nếu gặp thì sai người tiếp ở xa, khi thấy thuyền giặc đã gần tới, thì đem quân ta mai phục, sức cho những người bắn giỏi phục ở đường trọng yếu, lại khiến binh chính đánh mà giả thua. Trong lúc địch đương ở nửa trên nửa dưới, thì ra hiệu cho quân phục bắn, hẳn là được.
Như ở giữa đồng, hai quân đóng đồn bền giữ, một đêm mưa gió chợt thấy có giặc đến đánh, ta nên đóng vững quân không động, thám xét cho nghiêm, và dặn quân thấy giặc thì dừng động. Như thấy tả hữu của địch đánh vào thì không được vội vã, thầm sai động binh tiếp đánh.
Đánh ngoài đồng. Chính là phép của nhà binh, trái với phép thì có cơ cũng không gieo vào được. Phép binh không gì tinh bằng cách đánh ngoài đồng. Hoặc tiến hoặc lùi, hoặc thưa hoặc dầy, bày trận thì như mây nổi cuốn ngoài nội, quân đi thì như tơ bông bị gió bạt; khi đến sát thì như cát bờ đá dựng, cao thấp dùng thế; khi bắt giặc thì như muôn ngựa đuổi gió, hết sức nhảy bay. Địch lấy phép mà đo, phép cũng không kịp phòng bị, lấy kỳ mà lường, kỳ cũng không kịp ứng đối. Lấy loạn mà xét thì loạn mà không mất, ruổi mà không chạy, cờ xí rối động mà không lung tung, mỗi người tự đánh, quân tự lập thế, thấy lợi thì làm, thắng không định được dấu vết ở đâu. Thế mới gọi là tướng biết dùng binh vậy.
Phép đánh bộ. Nghe trống một hồi, quân bộ, quân kỵ đều phải trang bị; nghe một hồi nữa thì đều cưỡi ngựa đứng yên; nghe hồi thứ ba thì theo thứ tự dậy đi, dựng cờ hiệu. Sau nghe tiếng trống thì sắp trận. Quân xích hậu thì coi địa hình rộng hẹp, dựng nêu ở bốn góc. Trong phép chế trận, các bộ khúc đều tiếp bộ mà bày quân. Quân khi vào chiến trận, là từ chỗ sống mà vào chỗ chết; từ chỗ thực mà vào chỗ hư; từ chỗ lợi mà vào chỗ hại; từ chỗ nhàn mà vào chỗ nhọc; từ chỗ không bị cùng mà vào chỗ khốn cùng.
Đông Hoàng