[Binh Thư Yếu Lược]

[Quyển 2] Thiên V- QUÂN TƯ

2023-02-24 07:50:43

Phàm gặp chỗ đóng dinh không có nước, thì tìm nơi nào có nhiều lau sậy mọc và có lỗ mối đùn, ở dưới tất có suối ngầm; hay tìm đường có dấu chân thú đi, theo đó không xa hẳn là có nước.

Thiên V- QUÂN TƯ

Lương. Phép trù lương, đại ước tính hằng năm thì nên lập đồn, tính hằng tháng thì nên vận chở, tính hằng ngày thì nên lưu cấp. Đường đi nghìn dặm thì việc vận chở và lưu cấp phải cùng làm, mà khi dời đổi không thường thì việc chuyển dời và lưu cấp cũng phải cùng làm. Nhưng khi cấp bách quá, không kịp dùng chảo nồi thì dùng lương khô. Bằng lấy được lương của địch, cùng là không mà làm ra vẻ có, rỗng mà làm ra vẻ đầy, đường vận tải đứt mà bị vây lâu, phải tìm trăm thức để nuôi sống, thì đó chỉ là cách cứu nhất thới, chứ không thể làm thường xuyên được. Việc ăn là việc gốc của dân, là việc tính mệnh của binh, tất phải mưu sao cho không hết, chở sao cho có luôn, hộ vệ sao cho chu đáo, tiêu dùng sao cho có chừng.

Sách Yên thủy thần kinh: 

Phép dùng khi không có nước. Phàm gặp chỗ đóng dinh không có nước, thì tìm nơi nào có nhiều lau sậy mọc và có lỗ mối đùn, ở dưới tất có suối ngầm; hay tìm đường có dấu chân thú đi, theo đó không xa hẳn là có nước.

Phép cướp lương. Phàm quân địch xông lại cướp lương thì mũi nhọn tất hăng, quân lương của ta ít, nên lánh mũi nhọn ấy đã, đợi khi chúng trở về, vai mang hẳn nặng, trong bụng tất sự ta, ta sai quân phục ở đường trọng yếu, vùng dậy đánh là lấy được lương.

Sách Võ bị chế thắng chí:

Đem lương. Phàm nghìn dặm đem lương, quân có sắc đói, kiếm củi hái rau sau mới nấu cơm, thì quân không được ngủ no. Huống chi đi sâu vào đất địch, xe chở lương không thông được, phải đánh úp địch để lấy lương. Tuy nói lấy lương ở địch, nhưng cũng lo nó làm phép vườn không nhà trống để chờ mình. Vậy nên mỗi người phải đem vài đấu lương khô có thể dùng được vài tuần. Nếu rút quân ở đường, cách cõi còn xa, lương chứa thiếu thốn, tức phải chọn những trâu ngựa gầy còm để cho quân ăn, ngõ hầu giữ được sức người, không bị giặc làm khốn. Dùng gạo một thạch, đem chưng chín lên, rồi bỏ vào nước tương mà ngâm, dùng lửa sấy khô, lại chưng lại sấy, làm thế mươi lần, có thể được độ 2 đấu. Mỗi lần lấy ăn chỉ một lẻ to, trước lấy nước nóng mà ngâm, đợi cho trương lên, rồi sau đem nấu ăn. Mỗi người có thể ăn được 50 ngày.

Muối 3 đấu, đem trộn với gạo, bỏ vào trong nồi, dùng than lửa rang, làm cho săn lại không tan, mỗi người có thể ăn được 50 ngày, đem đi tháng hè thì hợp. 

Vải to một thước, lấy một thăng giấm chua tẩm đem phơi khô, hễ giấm hết thì thôi, mỗi khi ăn, cắt lấy một tấc mà nấu, có thể ăn được 50 ngày. 

Lấy bột tiểu mạch gói một tấm bánh chưng, tẩm vào một đấu giấm, đem phơi khô, bao giờ hết thì thôi, mỗi lần ăn, lấy bằng hai quả vông mà nấu, một người có thể ăn được 50 ngày. 

Lấy 3 đấu đậu, giã ra như cao, thêm vào 5 đấu muối, nắm làm bánh, phơi khô để ăn, to bằng hột táo, để thay tương, mỗi người có thể ăn được 50 ngày. 

Như lúc gay go lắm thì các đồ quân trang bằng da cũng có thể nấu ăn để cứu đói được. 

Trên đường hành quân thì tước lấy vỏ cây thông, mỗi 10 đấu vỏ thông thì cho vào 5 lẻ gạo để nấu, sai nấu chín nhừ ra, nửa đấu một người có thể ăn được một ngày. 

Mỗi người đem đi nửa cân vừng, gặp lúc khát thì nhấm 30 hột là khỏi khát ngay; cũng có thể đem ô mai hay tương quả; mỗi người mang theo một quả bầu hay ống tre, túi da, có thể chứa độ 2 cân, liệu nước ở đường trước mà đựng nước đem theo. Quân ngựa thì mỗi người đem tương khô cho ngựa, sợ ngựa khát. 

Đời gần đây lính biên phòng đi xa có các thứ bánh bột, cơm nắm, túi miến. Bánh bột dùng bột gạo làm miến, hoà vào nước sôi làm thành bánh, dày một phân, đợi nguội cắt vuông như con cờ, phơi khô cất đi, như ở dinh trại thì dùng nước nóng ngâm mà ăn, như đi đường và trong chiến trường thì ăn khô, vị ngon mà khỏi khát, hơn các thứ bánh tạp. Còn cơm nắm túi miến thì đều làm theo phép thường, duy phải phơi cho rất khô, để có thể đem đi và để lâu. 

Tìm nước. Trong khi hành quân, nôên trước chọn suối nước. Theo phép cũ thì quân đi trước và quân đi sau phải trống coi việc cỏ nước, giữa đường gặp nước thì nên kéo cờ đen để báo cho mọi người. 

Phàm quân đến đâu thiếu nước, thì xem chung quanh đấy thấy có dấu đường ngựa bò đi, thì tìm xem dấu đến đâu, hẳn là có nước. 

Phàm ngoài đồng thấy nơi nào chim muông tụ họp hay nơi có loài chim nước họp thì đấy phải có nước. 

Phàm chỗ đất mọc lau sậy cối lác và có đống mối đùn thì ở dưới hẳn có suối ngầm. Có thuyết nói lạc đà hay biết chỗ có nước, khi đi đường bị khát, thì nó quỳ xuống trên cát, đào dưới đấy thì có mạch nước. 

Đại phàm quân đi về tháng mùa đông, mỗi người đều mang một cục nước đá, trời lạnh không tan được, cũng có thể phòng khát. 

Phàm suối nước ở cách dốc núi thì lấy ống trúc lớn, chọc thủng mắt đi, để ngọn ống này đút vào gốc ống kia, rồi lấy dâu và vôi hay sáp ong gắn liền cho khỏi chảy nước, đẩy đầu ống trúc cắm vào trong nước tới 5 thước, rồi ở cuối ống đốt củi thông hay cỏ khô, khiến cho hơi nước ở trong ống trúc ngầm thông vào nước, thì nước từ trong chảy ngược lên.

 

Đông Hoàng

Comments (14)