[Binh Pháp Tôn Tử]

Chương 4: Hình Thiên

2023-02-19 15:00:22

Người giỏi tác chiến có thể làm được việc khiến địch không thể thắng và không có cơ hội thắng

Tôn tử viết: Xưa nay, người giỏi tác chiến, trước tiên sáng tạo điều kiện không cho địch thắng để đợi thời cơ có thể thắng địch; không cho địch thắng là ở nỗ lực của ta, có thể thắng địch là do địch xuất hiện sai lầm. Cho nên, người giỏi tác chiến có thể làm được việc khiến địch không thể thắng và không có cơ hội thắng. Nên nói: có thể dự đoán biết trước thắng lợi, nhưng không thể làm càn để cầu chiến thắng. Không để địch thắng cốt ở phòng vệ cẩn mật; có thể thắng địch cốt ở thừa sở hở tiến công. Phòng thủ là vì binh lực không đủ, tiếng công là vì binh lực có thừa. Giỏi phòng thủ thì giống như ẩn sâu dưới đất; giỏi tiến công thì như từ trên trời cao đổ xuống, cho nên có thể bảo toàn được mình mà vẫn giành được toàn thắng.

Dự kiến thắng lợi không ngoài dự đoán của mọi người, như vậy không thể nói là giỏi nhất trong những người giỏi; đánh thắng rồi mọi người đề khen giỏi, thì cũng không thể nói là giỏi nhất trong những người giỏi. Cho nên, nâng một cái lông không được coi là có nhiều sức lực, thấy ánh sáng chói lọi của nhật nguyệt không được coi là có con mắt tinh tường, nghe được tiếng sấm sét không được coi là tai thính. Người xưa nói: người thiện chiến là người thắng kẻ địch dễ thắng. Cho nên, thắng lợi của người thiện chiến không phải là vì mưu trí cao, không phải là dũng cảm hơn người. Sở dĩ thắng là vi không phạm sai lầm. Sở dĩ không sai lầm là vì dùng biện pháp tác chiến tất thắng, là thắng kẻ địch đã nằm trong thế thất bại. Cho nên, người thiện chiến thì trước tiên phải đứng trên chỗ không thể bại và không bỏ qua cơ hội có thể đánh thắng địch. Thắng là trước tiên phải tạo điều kiện rồi mới đánh địch. Bại là vì đánh nhau rồi thắng cầu may. Người thiện chiến phải tu sửa việc chính trị sáng suốt, và giữ pháp luật nghiêm minh thì mới là chính sách tất thắng.

Binh pháp nói: Một là độ - đo lường đất đai của ta và địch ai rộng hơn; hai là lượng - tính toán nhân khẩu ai nhiều hơn; ba là số - tính toán vật tư, tài nguyên, tích trữ ai nhiều ai ít; bốn là xứng - so sánh thực lực quân sự ai mạnh ai yếu; năm là  thắng - phân tích các điều kiện ai lợi ai hại, ai có nhiều điều kiện thắng lợi hơn. Địch ta hai bên đều có đất đai nên sinh ra vấn đề về "Độ" diện tích lớn nhỏ, "độ" khác nhau sinh ra "lượng" nhân khẩu và nguồn binh lực nhiều ít; "lượng" khác nhau sinh ra vấn đề về "số" sản vật, tài nguyên nhiều ít; "số" khác nhau sinh ra vấn đề "xứng" về sức mạnh hai bên, "xứng" mà chênh lệch thì thắng bại đã định. 

Cho nên, quân thắng thì như một yến so với một lạng; quân bại thì như một lạng so với một yến.

Người thiện chiến tác chiến giống như dòng thác từ trăm trượng cao ào ào đổ xuống, không gì ngăn nổi.

 

Đông Hoàng

Comments (26)