[Binh Pháp Tôn Tử]
Chương 3: Mưu Công
2023-02-19 14:59:23
Bách chiến bách thắng không phải là tốt nhất, chỉ có không đánh mà khiến quân địch khuất phục mới là tốt nhất.
Tôn Tử nói: Phàm phương pháp dụng binh, khiến cho toàn bộ nước địch hàng phục là thượng sách; đánh phá cả quốc gia là hạ sách; khiến toàn bộ quân địch đầu hàng là thượng sách, đánh tan quân địch là hạ sách; khiến binh lính địch đầu hàng là thượng sách, tiêu diệt binh lính địch là hạ sách. Cho nên bách chiến bách thắng không phải là tốt nhất, chỉ có không đánh mà khiến quân địch khuất phục mới là tốt nhất.
Cho nên, nhà quân sự ưu tú là người dùng mưu lược chính trị chiến thắng địch; thứ đến là dùng thủ đoạn ngoại giao cô lập địch; thứ nữa mới dùng lực lượng quân sự áp chế ý chí quân địch; sau cùng mới là công thành phá nước địch, công thành là bất đắc dĩ. Làm thang đánh thành và xe chuyên dụng đánh thành phải mất mấy tháng mới xong, đắp núi đất để công thành cũng mất mấy tháng. Tướng không nhẫn nhịn được nữa thúc quân tràn lên như kiến bò lên thành, quân lính ba người chết một mà chưa hạ được thành đó là tai họa của công thành. Cho nên người giỏi dùng binh, hàng phục quân địch không phải nhờ đánh mạnh đoạt thành chiếm lũy của địch, không phải dựa vào cưỡng công, tiêu diệt quốc gia của địch, không phải nhờ đánh lâu dài; phải dùng mưu lược vạn toàn mà thắng hiên hạ. Cho nên, quân ta không tổn thất mà lại đoạt được thắng lợi toàn vẹn đó là nguyên tắc dùng mưu lược thắng địch.
Cho nên, phương pháp dùng binh, mười lần hơn địch thì bao vây; năm lần hơn địch thì tiến công; hai lần hơn địch thì phân tán địch; nếu ngang bằng với địch thì phải thắng được mới đánh; ít hơn địch thì cố thủ; không bằng địch thì tránh giao tranh. Quân đội nhược tiểu mà cứ cố ứng chiến tất sẽ bị kẻ địch hùng cường bắt làm tù binh.
Tướng soái là người phò tá quốc gia. Phò tá chu đáo thì quốc gia cường thịnh. Phò tá có khiếm khuyết thì quốc gia suy yếu.
Có 3 trường hợp mà bậc quân vương có thể đem lại tai họa cho quân đội. Một, không hiểu quân đội của mình không có khả năng tiến công mà nhất định hạ lệnh tiến công; không hiểu quân đội của minh không nên rút lui mà cứ ra lệnh rút lui, đó là trói buộc quân đội. Hai, không hiểu việc quân mà lại điều khiển quân đội, ba quân tất không tin tưởng. Ba, không biết quyền biến ba quân mà lại chịu trách nhiệm ba quân, ba quân tất nghi ngờ. Ba quân vừa không tin tưởng vừa nghi ngờ, chư hầu tất thừa cơ tấn công, đó là làm loạn lòng quân, giúp địch thắng ta.
Có 5 điều biết được sẽ thắng. Một, biết có thể đánh và không thể đánh thì thắng. Hai, biết dùng quân ít quân nhiều thì thắng. Ba, trên dưới đồng lòng thì thắng. Bốn, dùng chuẩn bị đánh không chuản bị thì thắng. Năm, tướng có tài mà vua không can thiệp thì thắng. Năm điều đó là đạo để chiến thắng.
Cho nên nói, biết người biết ta trăm trận trăm thắng; không biết người mà biết ta, một thắng một bại; không biết người, không biết ta, trăm trận trăm bại.
Đông Hoàng