[Vietnam News]
View - Bí mật ít biết về sự ra đời của pháo hoa
2024-01-28 13:03:26
Bí mật ít biết về sự ra đời của pháo hoa Vào Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, Quốc khánh..., những màn biểu diễn pháo hoa rực rỡ đầy màu sắc trở thành điều không thể thiếu ở nhiều nước. Thế nhưng, không nhiều người biết chính xác về sự ra đời của pháo hoa.pháo hoa, pháo hoa ra đời, lễ hội pháo hoa, đốt pháo hoa
Hầu hết mọi người trên thế giới đều ít nhất nhìn thấy màn biểu diễn pháo hoa lung linh đầy màu sắc trong đêm giao thừa, ngày quốc khánh hay các lễ hội. Khi xem pháo hoa bừng nở và tỏa ra những vầng sáng lung linh, nhiều người gửi gắm những mong ước, hy vọng, cầu mong có một năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng và xua đuổi những điều tồi tệ trong năm cũ.
Theo đó, pháo hoa trở nên phổ biến trong đời sống người dân ở các nước. Điều này khiến nhiều người tò mò pháo hoa ra đời ra sao, thời điểm nào... Nhiều giả thuyết, giai thoại khác nhau lưu hành trong dân gian đề cập đến nguồn gốc của pháo hoa. Thế nhưng, đa số ý kiến của giới chuyên gia nhất trí rằng pháo hoa ra đời ở Trung Quốc.
Trong số này, nổi tiếng nhất là câu chuyện về Lý Điền. Tương truyền, vào thời Đường, hai bên bờ Nam Xuyên có nhiều người bị ma núi quấy nhiễu, làm hại, người dân địa phương sống trong lo lắng, sợ hãi. Thấy được nỗi khổ của người dân do ma núi tác oai tác quái, Đường Thái Tông Lý Thế Dân trăn trở muốn tìm cách giúp dân. Về sau, ông hoàng nhà Đường hạ chiếu chỉ gửi tới khắp các địa phương để cầu y.
Sau khi biết được nội dung chiếu chỉ Đường Thái Tông Lý Thế Dân, Lý Điền - người xuất thân ở tỉnh Hồ Nam, huyện Lưu Dương dành nhiều thời gian nghiên cứu và chế tạo pháo trúc. Khi pháo trúc nổ, người dân Trung Quốc khi ấy quan niệm tiếng pháo nổ có thể xua đuổi được tà ma, ác quỷ. Nhờ vậy, bảo vệ cho người dân cả một vùng không bị ma quỷ làm hại.
Khi phát minh pháo trúc của Lý Điền được dâng lên vua, Đường Thái Tông Lý Thế Dân rất hài lòng và phong cho nhà sáng chế này là “Bộc trúc tổ sư” (tổ sư pháo trúc). Kể từ đó, người dân Trung Quốc coi ông là tổ sư của nghề làm pháo nói chung và pháo hoa nói riêng. Họ thường đốt pháo vào đầu năm mới để xua đuổi ma quỷ, cầu may mắn, vạn sự như ý và bình an.
Người dân thời Tống xây dựng đền thờ Lý Điền để ghi nhớ công lao của ông trong việc sáng chế ra pháo trúc. Họ lấy ngày 18/4 âm lịch hàng năm làm lễ hội tưởng nhớ đến nhà phát minh thiên tài Lý Điền. Ngày nay, đền thờ Lý Điền còn ở tỉnh Hồ Nam vẫn giữ truyền thống từ hàng ngàn năm trước khi tổ chức lễ hội pháo hoa thường niên.
Phát minh quan trọng này được nhà thám hiểm Marco Polo mang từ Trung Quốc đến châu Âu vào thế kỷ 13. Kể từ đó, sáng chế này được sử dụng rộng rãi trong các mục đích quân sự như làm thuốc súng, đạn dược, tên lửa... Đồng thời, tạo nên cuộc cách mạng trong chiến tranh quân sự.
Không chỉ dùng trong chiến đấu, quân đội nhiều nước thực hiện ăn mừng chiến thắng bằng cách khai hỏa súng thần công trên không để tạo ra những vụ nổ hoành tráng.
Về sau, những nhà phát minh Italy nghiên cứu và sản xuất thành công pháo hoa từ thuốc súng. Nhờ vậy, những màn biểu diễn pháo hoa trên không trung trở thành môn nghệ thuật đặc biệt.
Mời quý độc giả xem video: Chính thức cho phép bắn pháo hoa trong đám cưới, sinh nhật từ 11/1/2021. Nguồn: THĐT1.
Tang Mộc