[Vietnam News]
View - Đầu năm, thăm "vườn rau sạch cho em" ở rẻo cao Nậm Pồ
2024-02-12 16:03:41
Đầu năm, thăm "vườn rau sạch cho em" ở rẻo cao Nậm Pồ Đến Nậm Pồ (Điện Biên) vào một buổi chiều mùa xuân, đập vào mắt chúng tôi là những đồi rau đang lên xanh ngút ngàn. Ít ai biết, đây là nguồn rau sạch cung ứng cho toàn bộ hệ thống trường học trên địa bàn huyện biên giới phía tây tỉnh Điện Biên với tiêu chí xanh-sạch và an toàn.Vườn rau công nghệ cao Si Pa Phìn,Huyện Nậm Pồ,Vườn rau xanh cho em,Điện Biên
VỰA RAU XANH TRÊN ĐẤT CẰN SỎI ĐÁ
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ nằm ngay bên ven tỉnh lộ. Đây là mô hình đầu tiên và cũng là duy nhất trên địa bàn huyện ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật hiện đại trong trồng và chăm sóc các loại rau, củ, quả sạch với quy mô trên 30ha.
Thấy khách tò mò, anh Bùi Văn Ần, cán bộ quản lý Hợp tác xã liền lấy chiếc xe máy đã cũ, chở chúng tôi ngược con dốc đứng để lên với “vườn”. Ngay khi vừa tới nơi, không khí ngọt lành ùa thẳng vào lồng ngực của người phương xa. Trải ra trước mắt chúng tôi là những triền đồi mướt xanh màu của su su đang lên giàn, cải bắp đang cựa mình cuốn bắp… Từng khu được quy hoạch san sát nhau như những ô bàn cờ được sắp xếp, tính toán kỹ lưỡng và chi li.
Những luống rau xanh được quy hoạch gọn gàng trên sườn đồi dốc Si Pa Phìn. |
“Đây là các nhà màng, nhà lưới phục vụ cho trồng dưa chuột và cà chua. Hệ thống được đầu tư đồng bộ để bảo đảm cây phát triển khỏe mạnh, có khả năng chống chịu sâu bệnh. Khu vực trồng su su thì nằm ở phía đồi xa trên cao nhằm tận dụng nước tưới gốc”, Ần giới thiệu, mặt ngời lên sự tự hào.
Không tự hào sao được khi để làm nên một cánh đồng hàng chục héc-ta hôm nay, những người “lật đất, trồng rau” ngày nào đã đổ rất nhiều mồ hôi trên sỏi đá. Chỉ tay ra một khoảng đồi xơ xác, xám xịt toàn cỏ dại phía xa xa, anh kể: Trước đây, người dân tại Si Pa Phìn đã bỏ hoang mảnh đất này trong hàng chục năm do không có nguồn nước canh tác. Khắp các triền dốc chỉ có cỏ gianh lô xô đuổi nhau theo gió. “Cư dân” góp mặt thường xuyên nhất là những bầy trâu bò lốc cốc tìm ăn trong ráng chiều.
Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa cười lành lẽ khi nhắc tới câu chuyện đổi thay trên rẻo cao Si Pa Phìn. Anh bảo, xuất phát từ thực tiễn vùng đất rộng lớn phì nhiêu này chưa có loại cây nào đem lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân nên Ban Thường vụ Huyện ủy đã nghiên cứu, ban hành hẳn một Nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng nguyên liệu cây chanh leo, cây quế và vùng sản xuất rau, củ quả an toàn đến năm 2025. Ban Thường vụ huyện cũng giao cho các cán bộ đảng viên tiên phong thực hiện nghị quyết táo bạo này. Sau khi thành công, sẽ nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ xuống bà con.
Diện mạo Si Pa Phìn hôm nay... |
Tháng 5/2023, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn bắt tay vào việc hiện thực hóa Nghị quyết. Có mặt từ những ngày đầu, Bùi Văn Ần chưa thể quên những ngày đầu vỡ đất, kéo nước lên những đỉnh đồi cằn khô.
Việc đầu tiên là phải làm sạch, làm giàu cho đất. Máy móc cỡ lớn được đưa vào, cày xới, bồi thêm những lớp phù sa trên nền sỏi đá cũ. Song song, hệ thống đường lát gạch được xây dựng lên từng đỉnh đồi. Nhìn từ trên cao, những con đường như hàng chục mảnh lụa mỏng phẳng lì vắt quanh khu đất rộng hàng chục héc-ta.
Tiếp đó cần phải giải quyết bài toán nước tưới. Hợp tác xã đã tận dụng nguồn từ các khe suối để lắp đặt 10 máy bơm ‘hỏa tiễn’ 15 ký đưa nước lên độ cao 800m so với mực nước biển; đồng thời xây dựng các bể chứa chung quanh. Độ dốc lớn khiến công việc càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thế nhưng, với quyết tâm biến sỏi đá thành cơm, tất cả những thành viên hợp tác xã đều nỗ lực hết mình.
Từ một mảnh đất cằn, một vườn rau quy mô hơn 30ha đã ra đời, mở ra một tương lai mới cho vùng cao Si Pa Phìn. |
Tháng 10 năm đó, vườn rau xanh khổng lồ đã thành hình. Vài tháng sau, những mầm xanh đầu tiên đã bạt ngàn biên viễn. Đặc biệt nhất, toàn bộ quy trình sản xuất đều bảo đảm 100% hữu cơ. Chất lượng nước tưới được kiểm soát chặt chẽ. Đến cả… phân cũng được kỳ công chuyển từ các huyện, thị của tỉnh vào rồi ủ hoai cùng trấu mục. Hợp tác xã cũng đã đầu tư hệ thống tưới tự động được bố trí theo 2 phần diện tích để áp dụng 2 biện pháp là tưới phun mưa cho các loại cây ăn lá và tưới nhỏ giọt cho các loại cây ăn củ, quả, đảm bảo vận hành hiệu quả tối đa.
Hiện Hợp tác xã đang sản xuất hơn 10 loại rau, củ, quả phổ thông trên diện tích đất nhà màng rộng 5.000m2; nhà lưới 2ha (đang xây dựng) và ngoài trời. Thực hiện canh tác theo hình thức luân canh để lúc nào cũng có sản phẩm cung cấp ra thị trường.
VƯỜN RAU CHO EM VÀ NHỮNG HẠNH PHÚC MỚI TRÊN RẺO CAO SI PA PHÌN
Điểm đặc biệt nhất, thị trường của hợp tác xã chủ yếu cung cấp rau sạch, an toàn cho các trường học giá bằng với giá thị trường và mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh lân cận. Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện, Nậm Pồ là một trong những huyện còn rất khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao, vườn rau Si Pa Phìn đã được ra đời nhằm “gỡ khó” phần nào cho ngành giáo dục địa phương trong việc đưa thực phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tới các trường học.
Để bảo đảm nguồn rau sạch cung ứng cho bữa ăn bán trú, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ cũng như các trường đã tiến hành giám sát chặt chẽ về chất lượng, xuất xứ và nguồn gốc thực phẩm, chủng loại, định lượng. Công khai, minh bạch nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn của các trường.
Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ phấn khởi bên những cây bắp cải sạch vừa được thu hoạch. |
Theo thống kê, hiện nay, trung bình một ngày, hợp tác xã thu hoạch và đưa từ 1,5-2 tấn rau, củ quả sạch cung ứng cho 42 trường học trên địa bàn huyện với hơn 16 nghìn học sinh ăn bán trú.
“Khi những sản phẩm đầu tiên vào “bếp ăn nhà trường”, tất cả học sinh, giáo viên đều rất phấn khởi”, ông Chiến thông tin thêm.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ cũng chỉ đạo các trường có học sinh bán trú tăng gia sản xuất, trồng rau cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Mô hình vườn rau bán trú được xây dựng nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường và công sức của em học sinh, sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của các thầy cô giáo. Từ những bãi đất trống, đầy cỏ dại nay đã được cải tạo thành vườn rau xanh tốt.
Không chỉ học sinh, nhiều lao động địa phương cũng đã được hưởng lợi từ vườn rau trên đá cằn. Chị Lò Thị Lưu (40 tuổi) vốn là nông dân ở xã vùng ven thành phố Điện Biên Phủ. Tháng 10/2023, chị cùng chồng quyết định lên Si Pa Phìn… học cách làm nông nghiệp công nghệ cao. Gia đình chị được bố trí một căn nhà trên ngọn đồi cao nhất để hằng ngày tiện chăm tưới vườn xu hào, bắp cải ngay kế bên.
“Ban đầu thì bỡ ngỡ, nhưng làm dần chúng tôi đã quen. So với làm ruộng ở nhà thì ổn định hơn rất nhiều”, chị Lưu vừa tỉa lại luống cà chua, vừa nói.
Chùm cà chua sạch đã bắt đầu ra trái, báo hiệu cho những cuộc "đổi đời" trên rẻo cao Si Pa Phìn. |
Theo ông Ngô Xuân Chiến, hiện tại, hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn đã và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 20-30 lao động với mức lương ổn định và ở mức khá so với mặt bằng chung tại Si Pa Phìn.
Ly Thiền Duyền, 35 tuổi, cũng quen dần với nếp sống “nông dân công nghệ cao” như chị Lưu. Hằng ngày, Duyền mải miết trên các vườn xanh, hết kiểm tra độ ẩm lại luôn tay bắt sâu, vặt lá héo. “Lương của vợ chồng em được mỗi người 8 triệu đồng/tháng. Chỗ ăn, chỗ ngủ cũng không phải lo”, Duyền cười giòn tan trên ruộng bắp cải xanh rì.
Có thể thấy rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ; đặc biệt là sự nỗ lực của từng thành viên hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn đã góp phần biến những vùng đất khô cằn, hoang hóa trở nên xanh hơn, tạo việc làm cho người dân địa phương. Và cũng từ đây, những cuộc "đổi đời hạnh phúc" trên rẻo cao sẽ được bắt đầu.
Tháng 1/2024, sau khi thăm quan mô hình rau của hợp tác xã, đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao mô hình trồng rau mà hợp tác xã đang triển khai.
"Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy địa phương nào có hợp tác xã trồng rau lại có quy mô, diện tích cũng như việc đầu tư bài bản như tại huyện Nậm Pồ. Tại các địa phương có điều kiện thuận lợi về mặt bằng thì không nói, nhưng ở đây các bạn phải san đồi, chở đất màu từ nơi khác đến, hút nước từ dưới suối sâu lên để trồng rau thì thật đáng khâm phục".
Tang Mộc