[Vietnam News]
View - Họa sĩ Phạm Luận: “Vẽ theo đúng những gì mình có!”
2024-02-26 03:03:19
Họa sĩ Phạm Luận: “Vẽ theo đúng những gì mình có!”52 năm cầm cọ, trong 70 năm cuộc đời, họa sĩ Phạm Luận ghi dấu ấn tuổi 70 bằng triển lãm “Phạm Luận-Chân dung” tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 28/2 đến hết 5/3/2024. Triển lãm giới thiệu tới công chúng gần 60 bức chân dung chọn từ gia tài tranh chân dung đồ sộ mà họa sĩ đã miệt mài, tâm huyết sáng tạo suốt nhiều năm qua. Trước thềm sự kiện, Báo Nhân dân đã cuộc trò chuyện thú vị cùng họa sĩ Phạm Luận.Họa sĩ Phạm Luận, tranh chân dung, triển lãm “Phạm Luận-Chân dung”
Thưa họa sĩ, điều gì thôi thúc ông quyết định tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ 24 với chủ đề về tranh chân dung?
Năm nay cũng khá đặc biệt với tôi, đó là dấu mốc tôi tròn 70 tuổi. Từ trước đó, tôi đã có một ý thích là khi mình 40, 50 hay 60 tuổi sẽ làm một điều gì ghi dấu. Tôi nhớ nhất là năm 1994, tôi 40 tuổi cũng đã triển lãm 40 bức tranh và qua sự kiện ấy các gallery ở nước ngoài đã biết đến tôi để khi tôi 50 tuổi họ tổ chức cho tôi triển lãm “Phạm Luận Tuổi 50” tại Hồng Kông. 60 tuổi tôi tự tổ chức triển lãm “Phạm Luận - Nắng” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tôi nhớ, khi kết thúc triển lãm, lưu luyến nhìn lại phòng tranh đầy kỷ niệm trong một tuần đã qua, tôi nảy ra ước muốn vào năm 70 tuổi sẽ làm một điều gì đó. Bấy giờ, tôi sẵn những bức chân dung đã vẽ, và chợt nghĩ: Tại sao lại không làm một cuộc như thế? Vậy là tôi cứ ấp ủ, mỗi năm vẽ vài bức. Cách đây gần hai năm, tôi đến Bảo tàng đăng ký triển lãm, đưa mình vào cái thế dứt khoát phải làm. 2/3 số tranh tại triển lãm này được tôi tập trung sáng tác cũng trong vòng 2 năm trở lại đây.
Khi họa sĩ tự đưa mình vào “thế khó” có đồng nghĩa với việc tạo ra áp lực hoặc sẽ nảy sinh sự khiên cưỡng không, thưa ông?
Tôi không áp lực, nhưng cầu toàn. Tôi muốn đặt cho mình một lịch trình rõ ràng để mong đạt được một kết quả tốt nhất có thể. Nghĩa là tôi phải vẽ xong trước khoảng độ 3 tháng để còn chụp ảnh, in sách, làm khung và nhiều việc khác để chuẩn bị cho cuộc triển lãm.
Tranh tự họa của Phạm Luận. |
Nghĩa là ông thuộc tuýp người cầu toàn?
Chắc là vậy! Đơn giản như tôi đã hẹn ai là luôn đúng giờ. Đôi khi có thể đó là nhược điểm. Nhưng ai nghĩ thế nào thì nghĩ…
Ông có nhiều bức tự họa, có thể coi đó như việc lấy bản thân ra thử nghiệm trước khi vẽ về mọi người không?
Không phải như thế! Các họa sĩ trên thế giới cũng như trong nước đều tự họa nhiều, nhưng nếu coi đó như bước thử nghiệm thì không phải. Chỉ có điều giữa tự họa và vẽ chân dung của mọi người thì có sự khác nhau.
Cụ thể là gì?
Khi tôi vẽ mọi người, nhất là khi vẽ vợ, vẽ các con gái hay các bạn nữ dĩ nhiên phải giữ được nét nữ tính và nét đẹp của người phụ nữ nên các đường nét, sắc độ, màu sắc có một chút gì đó nhẹ nhàng hơn.
Còn trong các tranh tự họa thì tôi được tự do thể hiện các mảng miếng gồ ghề, tút tát mạnh mẽ, thể hiện được cảm xúc của chính mình trong các thời khắc khác nhau. Ở một góc độ nào đó tôi hài lòng về những bức chân dung trong triển lãm dành cho tuổi 70 này. Đôi khi nhìn lại tôi cũng ngạc nhiên, không hiểu tại sao mình vẽ được như thế!
Theo họa sĩ, vẽ chân dung, ngoài từ khóa là “thần thái” mà chúng ta hay đề cập, điều gì là khó nhất?
Cái khó không chỉ ở chỗ mọi người nhìn vào nhận ra nhân vật mà khó là phải làm sao để mọi người nhận ra là Phạm Luận vẽ chứ không phải ai khác. Nếu ta quá chú trọng đến thần thái, cố gắng diễn tả, bất chấp mọi bút pháp thì mình không phải là mình nữa.. Tôi thường có thói quen, khi tôi vẽ xong một bức tranh nào đó rồi, ký vào rồi, nhưng một vài lần sau, bất chợt tôi nhìn lại và thấy là nó vẫn hoàn hảo thì tức là bức tranh đó đã đạt rồi. Hoặc đôi khi lúc đó lại nhận ra vài chỗ cần chỉnh sửa. Thói quen đó giúp tôi có được những bức tranh đúng với ý mình nhất.
"
Tác phẩm là thế, khi mình sửa có thể hỏng mà cũng có thể tuyệt vời hơn! Nghệ sĩ đôi khi phải dám thế. Không ưng thì phải bỏ đi. Không nên thỏa hiệp kiểu: người này không ưng thì người khác ưng. Mình vẽ, mình phải cảm nhận và ưng ý trước.
HỌA SĨ PHẠM LUẬN ------------------
Trong số gần 60 bức tranh tại triển lãm, tác phẩm nào khiến ông tốn nhiều thời gian, tâm sức?
Đó là “Studio của Phạm Luận” - một bức chân dung nhóm. Thực tế, chưa bao giờ diễn ra bối cảnh như trong tranh. Chính tôi đã tự sắp xếp cho tôi và mọi người một cuộc gặp gỡ bằng tưởng tượng. Thật khó để ngần ấy con người sao cho hòa hợp về bố cục, nổi bật cá tính từng người và nhất là theo cách mình nghĩ. Tôi vẽ trong một tháng, nhiều lần chỉnh sửa. Bức chân dung tự họa ở bìa cuốn sách mới nhất của tôi cũng tương tự. Ban đầu phần nền bức tranh khác với bây giờ, nhưng mà suy nghĩ mãi thì tôi cảm thấy chưa hài lòng, mặc dù là nền đã khô, tôi vẫn quyết định dùng bay để đè màu trắng lên. Bởi vậy khi tranh khô có những vết nứt, tôi lại thấy điều đó rất tuyệt vời và đó là một dấu ấn. Tác phẩm là thế, khi mình sửa có thể hỏng mà cũng có thể tuyệt vời hơn! Nghệ sĩ đôi khi phải dám thế. Không ưng thì phải bỏ đi. Không nên thỏa hiệp kiểu: người này không ưng thì người khác ưng. Mình vẽ, mình phải cảm nhận và ưng ý trước.
Phòng tranh của họa sĩ Phạm Luận. |
Ông có kỷ niệm gì về bức chân dung đầu tiên?
Đó là khi tôi vẽ con gái mình vào năm 1991. Ngày ấy, không có điện thoại hay các phương tiện như bây giờ để chụp ảnh lại nên mỗi chiều đi học về, con gái tôi thường ngồi ở ghế mây để bố vẽ chân dung theo cách hoàn toàn trực tiếp. Tôi không nhớ cụ thể là bao nhiêu buổi nữa, chỉ nhớ con gái cứ ngồi đấy và mình vẽ hoàn toàn bằng cảm xúc đầy yêu thương.
Cách vẽ chân dung của ông xưa và nay có gì thay đổi? Có điều gì của ngày xưa mà bây giờ không làm được?
Rất nhiều thay đổi. Trước đây cứ nhìn là vẽ, sự thật thế nào thể hiện đúng thế. Bây giờ thì chủ động hơn, định vẽ gì trong đầu đã hình dung trước rồi. Như cuộc gặp gỡ của các họa sĩ trong tranh hay bức “Cô gái ngồi trước tranh chim công” tôi vẽ con gái mình thì bức tranh là ở chỗ khác, trang phục cũng khác, chưa bao giờ có thực tế như vậy, là do tôi tự lựa chọn, sắp xếp. Mọi thứ trở nên tự do hơn khi trong đầu có sẵn hình dung. Tất nhiên, giờ mà bảo vẽ lại kiểu ngày xưa thì khó. Lúc ấy, kinh nghiệm, cách xử lý không bằng bây giờ nhưng cái được là hồn nhiên, cảm xúc gửi gắm trong trẻo.
Có những nhận định cho rằng chân dung ông vẽ đẹp nhất là về vợ con - những người gần gũi nhất…
Chân dung vợ họa sĩ Phạm Luận. |
Do mọi người tự nghĩ vậy thôi, tôi vẽ ai cũng thế, vẽ hết sức. Không phải dành cho mình, gia đình mình mới là đẹp nhất. Tuy nhiên, mọi người nói cũng có cái lý của nó. Vợ con gắn bó suốt cuộc đời tôi và tôi may mắn có một gia đình hạnh phúc. Tôi đã vẽ khoảng 50-70 bức tranh về vợ con. Nhiều bức vẽ từ trước đây ở nhà cũ ở ngõ Huế giờ quay lại nhìn tranh, tôi có nhớ, nhưng không nghĩ lại vẽ nhiều thế. Hầu hết đó là những bức tranh đầy kỷ niệm và cảm xúc, như khi tôi vẽ vợ đang có bầu con gái thứ hai. Ở tuổi này rồi, đạt được thế này là nhờ gia đình, bạn bè chia sẻ lúc khó khăn hay ngay cả lúc bình thường nhất. Đây là lúc tôi muốn cảm ơn mọi người, tặng mọi người những món quà tinh thần ấy và vui nhất là vợ con tôi hoàn toàn ủng hộ, rất hiểu, rất tin tôi!
Tại sao ông không lựa chọn thêm những bức tranh đầy cảm xúc và kỷ niệm vào triển lãm lần này?
Với không gian của Bảo tàng, gần 60 bức đã nhiều rồi. Trưng bày cả thì không đẹp. Tôi ước muốn sẽ có một lúc nào đó, ở nơi nào đó, có một ai đó làm cho mình điều tuyệt vời như thế. Con gái tôi chẳng hạn. Ngoài tranh, tôi mong có một cuốn sách về cả cuộc đời của họa sĩ Phạm Luận - một kết hợp giữa tranh và những câu chuyện đời sống xuyên suốt.
Ông vẽ nhiều về mọi người, vậy đã ai vẽ ông chưa?
Tôi chưa thấy! Mới đây, một bạn họa sĩ trẻ kể cho tôi nghe rằng bạn ấy nhìn thấy một bình gốm cắm bút có hình khối điêu khắc là gương mặt tôi do một sinh viên làm. Tôi nghe, cảm thấy rất vui nhưng chưa được nhìn thấy và cũng không biết đó là ai cả.
Trong cuộc trò chuyện này, có lẽ chúng ta không thể không nhắc tới những năm tháng khó khăn của Phạm Luận…
Tôi thích vẽ từ lâu, hồi nhỏ vẽ Bác Hồ, bích báo… và luôn muốn vào Đại học Mỹ thuật. Tôi tốt nghiệp phổ thông những năm 1970-1971, đúng giai đoạn có chiến tranh phá hoại miền Bắc, trường Mỹ thuật đi sơ tán. Nhà ít con, bố mẹ không muốn tôi đi. Ở lại Hà Nội, tôi làm hồ sơ ghi nguyện vọng: Một là, vào Khoa Hội họa của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và hai là vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó, tôi học Khoa Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Sư phạm Hà Nội. Mới được một học kỳ, tôi nhập ngũ vào tháng 5/1972. 18 tuổi, đóng quân ở Thanh Hóa, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy nhà sàn. Ngạc nhiên lắm và say sưa vẽ. Những năm tháng quân ngũ đã rèn giũa tôi về con đường này. Tôi ký họa mọi thứ, từ những buổi họp, đồng đội, xe tăng - thiết giáp, làm tượng… Hết chiến tranh tôi quay lại học. Thời điểm ấy, mẹ tôi đã qua đời. Cùng gia đình, tôi làm đủ nghề, từ túi cói thủ công, làm bánh…
"
Tôi là một họa sĩ tự học nên tôi nghĩ việc học là phải suốt cả cuộc đời. Học ở trong sách, học những người thầy đi trước, học ở trong bảo tàng, học ở bạn bè của mình.
HỌA SĨ PHẠM LUẬN ------------------
Vậy bức tranh đầu tiên Phạm Luận bán được là từ khi nào?
Tôi có một giai đoạn đi thực tập ở Hải Phòng, ngoài giờ dạy, tôi lấy bột màu ra, ngồi cạnh sông Tam Bạc vẽ, mọi người xúm lại xem. Cảm giác rất lạ, vừa tự hào lại vừa lo lắng. Năm 1983, tình cờ tôi đọc được một bài báo về Gallery 61 Tràng Tiền có bán tranh cho người nước ngoài. Lòng tràn đầy hy vọng, tôi lên phố Hàng Hòm mua gỗ ép thay toan để vẽ sơn dầu. Tôi chọn vẽ lại một ký họa bột màu của tôi về sông Tam Bạc. Một tuần sau khi gửi tranh, quay lại không thấy đâu, người ta nói: Hình như bán rồi. Tim tôi như nhảy ra ngoài. Bức tranh được bán với giá trị lớn, không thể ngờ được so với mức lương của một người giáo viên lúc bấy giờ. Có tiền, tôi mua thêm màu, miệt mài vẽ và gửi. Trong đầu vẫn đinh ninh câu hỏi: Mình may mắn hay có duyên thế nào? Tìm hiểu thì hóa ra có một ông đại sứ người Thụy Sĩ yêu thích tranh của tôi và thường xuyên chọn mua những bức tranh mới của tôi. Ngày nọ, đang vẽ ở nhà, có người báo đại sứ đến thăm, tôi hết sức bất ngờ. Tôi ngồi vẽ trên chiếc ghế nhỏ, giá vẽ đơn sơ. Sau đó, ngài đại sứ đặt người đóng giá vẽ, lái xe đem đến tặng tôi. Thật xúc động!
Ngoài may mắn, ông có bí quyết gì trong việc bán được tranh?
Tôi chả có bí quyết gì cả. Tôi là một họa sĩ tự học nên tôi nghĩ việc học là phải suốt cả cuộc đời. Học ở trong sách, học những người thầy đi trước, học ở trong bảo tàng, học ở bạn bè của mình. Học hỏi không có nghĩa là bắt chước. Tôi luôn biết tôi thế nào và vẽ thế nào. Tôi đã vẽ từ phố sang làng hoa, rồi đến chân dung... và chưa bao giờ tôi vẽ khác mình. Dĩ nhiên, không thể bỏ qua yếu tố may mắn. Như họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói về tôi, là “giời cho”. Ngẫm lại 70 năm cuộc đời mình, từ căn phòng 20m2 mấy gia đình ở, được thế này là sự cố gắng, cũng là may mắn của tôi!
Trân trọng cảm ơn họa sĩ Phạm Luận về cuộc trò chuyện cởi mở!
Tang Mộc