[Vietnam News]
View - Sân trường rợp bóng chim
2024-02-24 22:03:07
Sân trường rợp bóng chim Đất lành chim đậu! Mảnh đất hấp dẫn chim đến trú ngụ, sinh sôi tất là mảnh đất hiền hòa, tốt tươi, cũng chính là môi trường sống lý tưởng lâu dài của con người. Đó là tư duy biện chứng của dân gian, phản ánh tầm quan trọng và mối quan hệ chặt chẽ giữa con người-môi trường-thiên nhiên-vạn vật.
Nói thế để thấy rằng, hình ảnh những đàn chim mà chúng tôi được nhìn thấy ngay trong khuôn viên Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang (thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) thật khó tin. Hiện những đàn chim đó đang được nỗ lực bảo vệ, không chỉ vì mục tiêu bảo tồn chim hoang dã, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn để tạo một cảnh quan thực tế cho sinh viên nhà trường học tập, thực hành, nghiên cứu cũng như phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh một ngôi trường hòa cùng thiên nhiên độc nhất.
Quả thực, ở Việt Nam, hiếm có một khu bảo tồn chim nào nằm trong khuôn viên của một trường đại học và đây thật sự là nét độc đáo khi nói về Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang.
Nơi đất lành chim đậu
Xe chúng tôi chạy giữa những hàng cây rợp bóng mát dẫn vào sâu bên trong trường, bên phải là những vườn nho Hạ đen quá nổi tiếng và gắn liền với tên tuổi Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang khi giống nho này được trồng thí nghiệm thành công tại đây và sau đó được nhân rộng ra nhiều vùng trên cả nước. Mải nghe Tiến sĩ Ngô Anh Sơn, giảng viên Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang nói về nho, chúng tôi cũng không biết rằng mình đã đi qua khu bảo tồn loài và hệ sinh cảnh chim nước cư trú trong khuôn viên nhà trường.
Thực tế thì chỉ khi rời khu nhà Hiệu bộ vào lúc chiều muộn sau cuộc trò chuyện với Phó Hiệu trưởng Nguyễn Tuấn Dương, Thạc sĩ Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Lâm nghiệp và Tiến sĩ Ngô Anh Sơn, chúng tôi mới thấy chim bay rợp trời, lắng nghe đủ thứ âm thanh của nhiều loài chim đua nhau về tổ mà khi hỏi mới biết hóa ra chúng cư trú ở ngay gần tòa nhà Hiệu bộ.
Tiến sĩ Ngô Anh Sơn sau đó đã dẫn chúng tôi ra một lối nhỏ dẫn tới cây cầu ven hồ nước khá rộng nằm khuất sau những hàng cây và từ đây, mọi người có thể mở rộng tầm mắt ra khu sinh cảnh hệ chim nước.
Dễ thấy nhất là những đàn cò trắng với hàng trăm con đậu trên cây tre, cây keo, lim xẹt, muồng đen… rồi bay qua bay lại giữa hai bờ trong ánh chiều tà. Khung cảnh này quá yên bình, khiến chúng tôi cứ ngỡ như mình đang ở vườn chim Thung Nham (Ninh Bình) hay vườn cò Bằng Lăng (Cần Thơ) hoặc Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định)… trong khi thực tế đây chỉ là khuôn viên của một trường đại học với diện tích khoảng 4,7 ha.
Càng bất ngờ hơn khi nghe ông Nguyễn Chí Thành tiết lộ, các loài chim nước cư trú trong khuôn viên Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang tập trung từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20. Theo thời gian, số lượng các loài chim nước cư trú tăng lên nhanh chóng, tạo ra một khu hệ chim đông đúc với hàng nghìn cá thể, ước tính khoảng 10.000 cá thể. Các loài chim nơi đây đã đến, cư trú, làm tổ, sinh sản hình thành nên khu hệ chim độc đáo như hiện nay.
Đúng là “Đất lở chim bay, đất lành chim đậu”, sự có mặt của chúng không chỉ có ý nghĩa trong việc khẳng định sự phù hợp giữa điều kiện môi trường sinh thái trong khuôn viên nhà trường với sự tồn tại và phát triển của các loài chim hoang dã mà còn có ý nghĩa to lớn về giá trị bảo tồn đa dạng sinh học.
Đến nay, nhà trường đã xác định có 15 loài chim nước cư trú trong khuôn viên nhà trường, như: Cò lùn hung, diệc xám, cò ngàng lớn, cò ngàng nhỡ, cò trắng, cò bợ, cò ruồi, cò nhạn, vạc, cuốc ngực trắng, gà lôi nước, te vàng, bồng chanh, sả đầu nâu và bói cá nhỏ. Đáng chú ý trong số này có cò nhạn, một loài chim quý hiếm và được xếp ở mức Sắp nguy cấp (VU) trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007. Đây cũng là loài chim định cư chủ yếu ở phía nam, di cư không sinh sản ở phía bắc.
Các loài chim nước cư trú trong khuôn viên Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang tập trung từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20. (Ảnh NGUYỄN CHÍ THÀNH) |
Ông Nguyễn Chí Thành cũng cho biết thêm, có 12/15 loài được ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 12 hằng năm, trong đó những loài thường xuyên có mặt trong khuôn viên của trường là cò trắng, cò bợ, vạc, bồng chanh, cuốc ngực trắng, cò ruồi; những loài xuất hiện không thường xuyên là cò ngàng lớn, cò ngàng nhỡ, sả đầu nâu, bói cá nhỏ, cò lùn hung và gà lôi nước.
Ba loài chim nước di cư điển hình ở miền bắc Việt Nam là diệc xám, te vàng, cò nhạn chỉ xuất hiện từ khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, không được bắt gặp trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm và không ghi nhận sự sinh sản. Riêng loài te vàng, cò nhạn chỉ xuất hiện vào mùa đông, từ khoảng tháng 1 đến tháng 3 hằng năm.
Việc xuất hiện một khu hệ chim nước tại Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang rõ ràng rất thích hợp để sinh viên nhà trường và sinh viên nhiều nơi khác học tập, thực tập và nghiên cứu khoa học, cũng như là điểm tham quan du lịch cho người dân địa phương và du khách theo quyết định vào tháng 11/2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang công nhận Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang là điểm du lịch sinh thái. Tuy vậy, sớm nhận thức rõ nguy cơ số lượng cá thể chim cư trú trong khuôn viên có dấu hiệu suy giảm, nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang đã và đang rất nỗ lực bảo tồn.
“Xây nhà” cho chim hoang dã
Ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam. Trước đó, năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án “Bảo tồn loài và sinh cảnh khu hệ chim nước cư trú trong khuôn viên Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang”. Nhận thức rõ những nguy cơ có thể xóa sổ hoàn toàn hệ chim nước trong khuôn viên nhà trường từ các mối đe dọa như:
Săn bắt trái phép, sự xuống cấp của môi trường cư trú, kinh doanh các sản phẩm từ chim nước và điều kiện thời tiết bất lợi, Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn nhằm mở rộng, bổ sung và cải tạo sinh cảnh cho các loài chim nước. Theo ông Nguyễn Chí Thành, họ đã trồng tre, tràm tại những khu vực có chim cư trú và sinh sản, như đầu nhà Hiệu bộ, đầu nhà thư viện và ven hồ; đồng thời mở rộng sinh cảnh cư trú cho chim bằng việc xây dựng thêm một đảo mới và hỗ trợ sinh sản cho các loài chim nước thông qua việc làm tổ nhân tạo cho các loài.
Thú vị là năm 2014, Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang cũng đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường về nghiên cứu xác định thành phần loài, phân bố và đề xuất các giải pháp quản lý bảo tồn các loài chim nước trong khuôn viên Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang của ba tác giả Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Tuấn Cường và Thân Thị Huyền. Theo giảng viên Nguyễn Tuấn Cường, năm 2023, Khoa Lâm nghiệp còn thực hiện đề tài nghiên cứu một số biện pháp dẫn dụ nhằm mở rộng khu vực cư trú của các loài chim nước tại Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang.
Tuy vậy, theo ý kiến của các cán bộ, giảng viên nhà trường, sự tồn tại của các khu hệ chim không chỉ có ý nghĩa về mặt bảo tồn thuần túy mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung, các loài chim nước nói riêng, trong đó có khu hệ chim nước cư trú trong khuôn viên Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang.
Vì thế, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, ngoài các hoạt động mang tính kỹ thuật như cải tạo, mở rộng sinh cảnh, ngăn chặn các mối đe dọa, hỗ trợ làm tổ nhân tạo cho các loài chim…, Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang cũng đặc biệt quan tâm công tác truyền thông và giáo dục về bảo tồn vườn chim nước ở đối tượng học sinh, sinh viên, người dân và khách tham quan. Nhờ vậy, thông điệp đó tiếp tục được lan tỏa, để nơi đây mãi là nơi “đất lành chim đậu”, để còn mãi những câu ca dao “Yêu quê, yêu nhất cánh đồng/Yêu đàn cò trắng sang sông chiều chiều”.
Tang Mộc